Để người thu gom rác 'sống khỏe' với nghề

06/12/2019 05:45 GMT+7

Hình ảnh chiếc xe thùng chở rác thải sinh hoạt bon bon trên đường là điều mà người dân TP.HCM có thể bắt gặp mỗi ngày, dù ở thành thị hay nông thôn.

Mỗi ngày, những chiếc xe này cùng với 4.000 con người đang thu gom, vận chuyển 60% lượng rác từ khắp ngóc ngách của thành phố hơn 13 triệu dân.
Được sống trong môi trường trong lành, không bị rác bay vào đầu hay hít phải mùi hôi của nước rỉ rác chảy ròng ròng từ những chiếc xe chở rác là nhu cầu chính đáng của mọi cư dân. Để đáp ứng nhu cầu đó, TP.HCM ban hành 18 mẫu xe cơ giới thay thế và ra hạn chót vào 30.10.2019 để người thu gom chuyển đổi phương tiện nhưng chỉ có 91/1.745 xe có nhu cầu chuyển đổi, tương đương hơn 5%.
Những người thu gom rác có muôn vàn lý do để không chuyển đổi như khó tiếp cận nguồn vốn vay, xe không phù hợp với hẻm nhỏ, tốn thêm chi phí thuê tài xế... và cả đơn giá thu gom rác chưa được điều chỉnh kịp thời.
Trò chuyện với người thu gom rác, họ nói rằng bản thân rất muốn chuyển sang phương tiện mới, sạch sẽ, an toàn để không phải đối diện với những ánh mắt khó chịu của người đi đường. Thế nhưng, bản thân họ không thể tự làm mà cần có sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền, người dân. Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã lắng nghe các đơn vị thu gom rác trao đổi về những khó khăn khi chuyển đổi phương tiện để có đủ thông tin trước khi ban hành chính sách hỗ trợ cho lực lượng này. Dự kiến, người thu gom rác được nhiều ưu đãi khi chuyển đổi phương tiện, có thêm đồ bảo hộ và giảm 50% học phí khi con đi học từ mẫu giáo đến phổ thông.
Những nỗ lực thay đổi diện mạo các đường dây rác dân lập đang được TP.HCM thực hiện để người thu gom rác có thể sống khỏe với nghề. Ở chiều ngược lại, nếu người thu gom rác dân lập không thay đổi để thích nghi thì “cần câu cơm” của họ sẽ bị gãy bởi cơ chế thị trường, khi mà yêu cầu của người dân ngày càng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.