Những bảng “phong thần” tiếng Việt
Ông Nguyễn Tiến Đạt, một doanh nhân ngành du lịch, thật khó có thể quên được “kỷ niệm” hồi 2015 tới Nhật Bản. Khi đó, ông đưa khách Việt tới đảo Kyushu. Bác lái xe người Nhật lớn tuổi phục vụ rất lịch sự, lái xe giỏi, giữ xe sạch sẽ. “Mới đầu bác rất vui vẻ, cười suốt, nhưng khách VN mình ăn uống trên xe để bẩn khiến bác lái xe phải rất vất vả dọn hằng ngày. Và thường xuyên khách đến muộn mà xe không dừng đỗ được. Đến ngày cuối, bác không thể cười được nữa vì có 2 khách mải shopping nên đến điểm hẹn trễ gần 1 giờ đồng hồ trong khi sắp đến giờ đoàn phải ra sân bay”, ông Đạt nhớ lại.
Tấm biển cảnh báo bằng tiếng Việt tại Nhật |
Đoàn Gia Minh |
Năm 2018, nhiều tờ báo Nhật Bản lên tiếng về hiện tượng viết chữ lên di tích Yonago (tỉnh Tottori, Nhật Bản). Trong số đó, lớn nhất là chữ “HÀO” với độ dài khoảng 60 cm, xung quanh có thêm hình vẽ ngôi sao và trái tim. Những ký tự và ký hiệu này được khắc lên bệ đá nằm ở ở vị trí cao nhất trong khu di tích. Có thể nhận ra đây là tiếng Việt.
Ở Singapore, câu chuyện về những vị khách VN cũng có nhiều nốt trầm. TS Nguyễn Thị Hường, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, từng có bài viết chia sẻ về trải nghiệm của mình tại Singapore. Trong một đợt học tập, một cán bộ cùng đoàn với bà trốn ra ngoài hút thuốc và bị cảnh sát môi trường phạt. Chưa hết, một người bạn khác sau khi ăn kẹo lại tiện tay vo vỏ kẹo rồi vứt dưới chân. Một cô bé 8 tuổi sau đó chạy theo người này, đưa lại vỏ kẹo và nói: “Cô đã làm rơi cái này”.
Ông Đoàn Gia Minh, một người dân TP.HCM, cũng chia sẻ nỗi buồn khi tới Tokyo (Nhật Bản). Tại một nhà hàng ẩm thực dạng buffet, ông Minh và nhiều du khách Việt sửng sốt khi nhìn thấy tấm bảng thông báo bằng tiếng Việt: “Kính gửi quý khách. Vui lòng lấy lượng thức ăn vừa đủ ăn. Trường hợp thức ăn thừa nhiều, có thể chúng tôi sẽ phải phụ thu thêm tiền. Rất mong quý khách thấu hiểu và hợp tác”.
Ông Minh đặt câu hỏi: “Điều đáng lưu ý là tại sao nhà hàng này (và nhiều nơi khác ở Nhật) chỉ dán thông báo bằng tiếng Việt, mà không phải là tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc một loại ngôn ngữ phổ biến khác? Rõ ràng người Nhật rất “quan tâm” và… âu lo về hành vi ẩm thực buffet gây phiền lòng của một bộ phận du khách VN vô ý thức”.
Chữ “HÀO” trên một di tích tại Nhật Bản |
Mainichi |
Sửa từ nhà ra nước ngoài
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội, đánh giá các hiện tượng vừa qua đặt ra câu hỏi cho chúng ta về văn hóa ứng xử của người Việt. Theo ông Sơn, văn hóa này của chúng ta có vấn đề ngay từ trong nước, dẫn đến câu chuyện khi ra nước ngoài nó bộc lộ thành vấn đề lớn. “Cái chúng ta cần chấn chỉnh, thay đổi là văn minh trong ứng xử. Chúng ta nói rất nhiều về văn minh ứng xử nơi công cộng, có nhiều quy định rồi tuyên truyền văn minh ứng xử nơi công cộng nhưng qua những hiện tượng vừa qua, đặc biệt ở nước ngoài, cho thấy hiệu quả tuyên truyền của chúng ta chưa cao”, PGS-TS Sơn phân tích.
PGS-TS Sơn cho rằng hiện tượng này có cả nguyên nhân đến từ nhận thức. Ví dụ trong gia đình, việc dạy dỗ con cái ứng xử văn minh từ nhỏ nhất như chào hỏi lễ phép, cảm ơn xin lỗi đã có vấn đề rồi. Nó dẫn đến chúng ta thấy ngay trong gia đình từ “cảm ơn”, “xin lỗi” còn xa lạ với rất nhiều người. Ra ngoài xã hội việc cảm ơn, xin lỗi cũng ít vì thế. “Có lần tôi đi mua rau, mua xong tôi nói cảm ơn mà người bán hàng quay ra hỏi lại cái gì. Tức là người ta không quen với việc một người khác cảm ơn mình, người ta cho việc đó là đương nhiên. Nhưng trong xã hội văn minh thì chúng ta phải ứng xử văn minh”, ông Sơn nói.
Sự vô ý thức của nhiều người Việt khi ra nước ngoài cũng bắt nguồn từ việc ở trong nước chúng ta có nhiều hành vi không văn minh, nhưng lại ít khi bị xử phạt. “Khi hành vi vi phạm nhiều thì lại thành thói quen. Khi thành thói quen thì lại vô cùng nguy hiểm. Thói quen xấu đó sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc khi ở nước ngoài. Đây là những câu chuyện khiến chúng ta nghĩ nhiều hơn về văn minh trong đô thị, ứng xử, không gian công cộng”, ông Sơn nói.
Câu chuyện về 2 nghệ sĩ nổi tiếng người Việt bị tố hiếp dâm ở Tây Ban Nha mà nhiều báo nước ngoài đưa tin, dù chưa có phán quyết của tòa án, cũng là lời cảnh báo chúng ta về việc khi ra nước ngoài phải có ứng xử phù hợp văn hóa và những hiểu biết nhất định về pháp luật nước sở tại để không rơi vào tình cảnh khó khăn. Ông Sơn cũng nói đến những hành vi xấu xí, thậm chí phạm pháp ở nước ngoài do văn hóa và pháp luật của họ khác chúng ta. “Khi đến đâu chúng ta phải ứng xử đúng theo văn hóa và luật pháp địa phương, Muốn ứng xử đúng thì phải hiểu. Nhiều cái ở VN là chuyện bình thường, nhưng ở nước ngoài lại là vi phạm pháp luật”, ông Sơn nói.
PGS-TS Sơn đề xuất khi ra nước ngoài, từ cá nhân đến công ty du lịch, công ty xuất khẩu lao động cần chú ý những khác biệt văn hóa, pháp luật. “Người Việt ra nước ngoài phải được trang bị kiến thức văn hóa của địa phương nơi ta đến để tránh những câu chuyện không hay có thể xảy ra. Nó liên quan đến hình ảnh đất nước con người VN. Nếu đất nước ta toàn những người vi phạm như thế thì quốc thể sẽ ra làm sao?”, ông Sơn đặt vấn đề.
Bình luận (0)