Có thể thấy, Kết luận mới này về công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã làm mới một điều khẳng định tuy đã cũ nhưng bao giờ cũng là điều thiết yếu nhất trong công tác dân vận, dù đối với người Việt trong nước hay người Việt ở nước ngoài: đó là sự chân thành.
Chìa khóa của công tác Dân vận chính là thuyết phục để người dân thấy sự thấu tình đạt lý trong những vấn đề cần được sự ủng hộ của người dân, và giành được sự ủng hộ ấy không phải bằng áp đặt, mà bằng thuyết phục.
Với người Việt ở nước ngoài cũng vậy.
Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, đã có những chia rẽ, những bất hòa không dễ hàn gắn giữa một bộ phận người Việt phải rời bỏ quê hương Tổ quốc để định cư ở nước ngoài. Đó là điều có thật, tuy rất đau lòng, nhưng cần nhìn thẳng vào nó để dần dà có cách thuyết phục, không chỉ bằng lời nói, mà cái chính là bằng việc làm, bằng những chủ trương chính sách cụ thể với người Việt ở nước ngoài, và trên hết, bằng sự chân thành, bằng tình yêu thương và thông cảm của Tổ quốc giành cho những người Việt phải xa xứ. Để chứng minh Tổ quốc không bao giờ từ bỏ những người con của mình, thì chỉ có tình yêu thương chân thành, thật lòng mới khiến những người con ấy cảm động, dần dà có được niềm tin, tự vượt qua những vấn đề mắc mớ của mình với Tổ quốc, với chế độ, để cởi bỏ những mặc cảm, những vướng víu, từ đó tình cảm yêu thương với quê hương đồng bào, với đất nước trỗi dậy như một tất yếu.
Năm 2003, khi sang Pháp, tôi đã đọc trường ca “Mẹ về biển Đông” của nhà thơ Việt kiều Du Tử Lê ở nhà một người bạn tại quận 5-Paris. Tôi dã khóc. Trường ca ấy viết về cái chết, về đám tang của mẹ Du Tử Lê trên đất Mỹ, nó như một “Khúc tưởng niệm” về người mẹ Việt yêu kính của mình, nhưng trào lên trên mỗi dòng thơ là niềm ước mong đau nhói của người mẹ già, là khi chết nơi đất khách quê người, linh hồn mình được về lại quê nhà, về lại Tổ quốc Việt Nam:
“Không một người mẹ Việt Nam nào
Muốn chết ngoài đất nước” (“Mẹ về biển Đông”)
Du Tử Lê là nhà thơ nổi tiếng, nguyên là sĩ quan trong quân đội Sài Gòn.
Từ nguyện vọng thiết tha của người Mẹ không muốn chết ngoài đất nước, tới nguyện vọng của những đứa con hôm nay muốn sống vì đất nước, dù đang định cư ở nước ngoài, cái bước ấy ngắn hay dài, khó khăn hay thuận lợi lại hoàn toàn tùy thuộc vào tấm lòng cởi mở, bao dung, chân thành, không phân biệt của Tổ quốc, của chế độ. Tôi quí mến nhà thơ Du Tử Lê từ lúc chưa gặp trực tiếp ông, mà chỉ đọc thơ ông, nhưng điều tôi cảm nhận về tình yêu quê hương đất nước, về sự chân thành khi nghĩ về Tổ quốc của ông thì còn nguyên vẹn trong tôi cho tới khi ông vĩnh biệt cõi đời. Tôi nhớ, khi Du Tử Lê mất, BBC tiếng Việt đã chạy bài với hàng tít: “Vĩnh biệt Du Tử Lê, ngôi sao của thơ cách tân và hoà giải”.
Khi chúng ta chân thành đặt niềm tin vào một người, niềm tin và sự chân thành ấy sẽ lan tỏa tới nhiều người, và cứ thế nhân lên. Trong chiến tranh, tôi đã có 6 năm làm báo chuyên viết về Hòa giải và Hòa hợp dân tộc, nên tôi thấm thía vói hành trình tuy đầy khó nhọc nhưng nhất định phải đi này. Tất cả cũng vì sự Thống Nhất trọn vẹn, cả Tổ quốc và lòng người, của Việt Nam.
Còn nhớ, cách đây 50 năm, trước lúc bắn đến viên đạn cuối cùng và hy sinh, nhà văn-liệt sĩ Chu Cẩm Phong đã để lại bên mình một cuốn nhật ký. Ngót 30 năm sau, khi được in ra, cuốn nhật ký ấy dày tới 600 trang.
Có hai sĩ quan quân đội cộng hòa, một người đã cầm cuốn nhật ký ấy bên thi hài liệt sĩ Chu Cẩm Phong và trao cho một người là sĩ quan tâm lý chiến. Người sĩ quan ấy đã đọc và giữ gìn cuốn nhật ký ấy trong suốt 4 năm. Anh còn bao lại cuốn sổ nhật ký và vẽ lên bìa hình một cái cây vươn thẳng dưới mặt trời. Sau khi nước nhà thống nhất, anh sĩ quan ấy mang cuốn nhật ký trao lại nguyên vẹn cho một đồng đội của Chu Cẩm Phong, cũng là một nhà thơ.
Vì sao cuốn nhật ký của một chiến sĩ Việt Cộng lại được một người lính “phía bên kia” giữ gìn một cách trân trọng đến như vậy ?
Điều đó cũng không ngoài 4 chữ: Trung thực-Chân thành.
Đã là người Việt, thì dù ở đâu, vẫn có thể là người yêu nước mình. Đó là tiêu chí lớn nhất để người Việt trên khắp hành tinh này tìm thấy nhau.
Bình luận (0)