‘Đệ nhất cao thủ đánh bóng lư đồng Sài Gòn': Tết làm quên ăn, thu bạc triệu

20/01/2023 12:02 GMT+7

Hàng chục năm nay, nhiều người vẫn gắn cho ông Tiến danh xưng “đệ nhất cao thủ đánh bóng lư đồng Sài Gòn” bởi tay nghề ở trình độ thượng thừa. Người ta truyền tai nhau rằng, chỉ cần làm mấy ngày tết cũng đủ cho ông và gia đình ăn cả năm. Có thật không?

Khách ào ạt, làm tới quên ăn

Từ ngày 23 tháng chạp, căn nhà và cũng là tiệm đánh bóng lư đồng của ông Trần Thành Tiến (64 tuổi), nằm ngay mặt tiền đường Lê Văn Duyệt (Q.Bình Thạnh) đông đúc khách tìm đến. Với hơn 30 năm kinh nghiệm và những kỹ xảo đánh bóng lư đồng thượng thừa, suốt hàng chục năm nay nhiều người tin tưởng giao cho ông tân trang những bộ lư quý nhất là vào dịp tết.

Thời điểm này, công việc của ông Tiến tất bật khi khách tìm tới liên tục.

cao an biên

Ông Tiến cùng thợ và các thành viên trong gia đình làm việc cật lực để kịp hoàn thành những bộ lư đúng tiến độ.

cao an biên

Trước tiệm, những chiếc lư đồng đã đánh bóng, sáng loáng được ông chủ xếp thành hàng ngay ngắn, nhìn hết sức đẹp mắt. Ông Tiến cùng một “đệ tử ruột”, vợ và con trai chia nhau, tất bật, tập trung làm các khâu để tân trang một bộ lư đồng hoàn chỉnh kịp giao cho khách như đã hẹn.

Vừa nhận bộ lư đồng của khách, ông Tiến vệ sinh bằng nước rồi để ráo nước, phơi khô. Sau đó, ông tập trung cao độ đánh bóng những chiếc lư đồng bằng máy, rồi mang đi lau bột, thổi bụi cho sạch sẽ để hoàn thành việc tân trang một chiếc lư đồng như mới.

Ông xem kỹ từng bộ lư đồng, tư vấn cho khách chi tiết.

cao an biên

Công đoạn đánh bóng lư đồng đòi hỏi người thợ phải tập trung cao độ.

cao an biên

“Cái khâu khó nhất là lúc mà mình đánh bằng máy, phải tập trung dữ lắm. Nếu lơ là hay không biết cách thì không thể nào vệ sinh sạch được. Nhất là với những cái lư đồng có nhiều chi tiết cầu kỳ, khó đánh, nhiều thợ khác bó tay thì tôi sẽ xử lý thủ công”, và cứ như vậy, hiếm có bộ lư nào làm khó được vị “cao thủ” này.

Ông Tiến cho biết kể từ ngày 23 tháng chạp trở đi, khách đến dồn dập. Ông phải làm liên tục, có khi quên ăn, chỉ uống nước cầm chừng để đúng tiến độ đã hứa với khách. Tới trưa 30 tết thì ông mới nghỉ làm, dành thời gian tận hưởng giao thừa, năm mới. Có năm, trong hơn một tuần trước tết mà ông cùng thợ ruột đánh hơn 100 bộ lư đồng.

Lư đồng được lau bột sau khi đánh bóng.

cao an biên

Vừa lau bột bộ lư mới đánh bóng, ông tâm sự thời gian hoàn thành một bộ lư có thể từ vài chục phút đến vài tiếng, tùy loại. Theo đó, giá tiền cũng dao động từ vài chục, vài trăm, thậm chí là vài triệu đồng. Trước tin đồn rằng ông chỉ làm một mùa tết là đủ ăn cả năm, ông cười, nói rằng:

“Nói là nói cho vui vậy thôi! Thường dịp tết, tôi với lính kiếm được chừng vài chục triệu. Ở cái đất Sài Gòn này vài chục triệu cũng là bao, sao ăn hết cả năm. Còn về danh xưng “đệ nhất cao thủ”, khách gọi mình như vậy thì mình cũng vui, vì điều đó chứng tỏ là tôi làm cho họ hài lòng”, ông tâm sự.

Nghề đánh bóng lư đồng vào mùa, kiếm bộn tiền trước Tết

“Chỉ dám gửi lư đồng cho ông Tiến”

Để có được uy tín và danh tiếng như ngày hôm nay, ít ai biết, ông Tiến cũng đi qua không ít thăng trầm, nhiêu khê trong cuộc đời, công việc của mình. Ngày trước, ông làm lao động tự do, ai thuê gì làm nấy. Thấy không bền, “một nghề chính còn hơn chín nghề”, ông đã đến với nghề này như một cái duyên, và cũng có thể là cái nghiệp như cách mà ông nói.

Anh Vũ gắn bó với công việc này 15 năm nay.

cao an biên

Từng bộ lư đồng được ông làm chỉn chu.

cao an biên

Bắt đầu bằng con số 0, 3 năm đầu tiên, ông không có kinh nghiệm, vẫn chưa làm hài lòng khách. Điều đó khiến người thợ hết sức day dứt. Nhưng nghề dạy nghề, cũng như bằng chính sự quyết tâm, học hỏi hằng ngày, tay nghề của ông ngày càng được nâng cao, danh tiếng từ đó cũng bắt đầu được nhiều người biết tới hơn.

“Những cái lư đồng là vật linh thiêng, được truyền từ đời này sang đời khác. Chú cháu mình nói giỡn thì được, nhưng làm cái này không giỡn được, phải bằng cái tâm của mình. Tôi làm bằng cái suy nghĩ, bằng cái tâm niệm đó suốt mấy chục năm qua”, ông Tiến trả lời khi được hỏi về bí quyết đánh bóng lư đồng của ông.

Ông chủ niềm nở tiếp chuyện với khách.

cao an biên

Kế bên, anh Phan Tấn Vũ (45 tuổi), và cũng là “đệ tử ruột" đã đi theo ông Tiến làm nghề này hơn 15 năm qua cho biết cứ vào dịp tết thì công việc tất bật, nhưng anh vui vì có thêm thu nhập cũng như thấy được sự ưng ý của khách khi tin tưởng giao chiếc lư đồng cho thầy trò anh. Anh cho biết mình đang cố gắng hết sức để có thể kế nghiệp thầy, cũng như giữ gìn cái nghề đã gắn bó với anh suốt những năm tháng tuổi trẻ này.

Đem bộ lư đồng trên bàn thờ gia tiên đến gửi cho cửa hàng ông Tiến đánh bóng, ông Nguyễn Sinh Mạnh (56 tuổi, ngụ Q.1) cho biết đã tin tưởng giao cho “cao thủ đánh bóng lư đồng" này suốt mấy chục năm nay. Vì ông Tiến làm có tâm, giá cả không quá đắt nên vị khách hết sức hài lòng. Sau khi được chủ tiệm tư vấn và thông báo giá, ông Mạnh hài lòng đi về chờ đến chiều để trở lại lấy như lời hẹn.

Nhiều người là khách quen, tin tưởng vào tay nghề của ông Tiến suốt hàng chục năm qua.

cao an biên

Lư đồng được đóng gói cẩn thận trước khi trả cho khách.

cao an biên

“Lư đồng là vật thiêng liêng, nên mình phải giao cho đúng thợ. Tôi nghe danh ông Tiến này từ lâu rồi, năm nào tết cũng ghé đây. Mỗi dịp tết gia đình tôi đều chuẩn bị một bàn thờ gia tiên với đầy đủ những món ăn truyền thống. Ngoài đồ ăn, trên bàn thờ không thể thiếu bộ lư đồng để phục vụ việc thờ cúng tổ tiên nên nó có ý nghĩa quan trọng trong truyền thống của gia đình tôi", ông nói.

Cứ như vậy, những chiếc lư đồng sáng loáng đã được thay áo mới ở cửa hàng ông Tiến, sẽ tiếp tục trở lại bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình ở TP.HCM mang theo vẻ đẹp của truyền thống văn hóa người Việt dịp tết đến, xuân về...

Sinh viên nghèo buồn tết xa nhà, cha mẹ ở quê khóc thầm bất lực
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.