Đề phòng ung thư da hiệu quả

20/05/2016 05:17 GMT+7

Ghi nhận tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư da đứng hàng thứ 8 trong 10 loại ung thư thường gặp nhất.

Liên tiếp nhiều ngày qua, nhiệt độ tại TP.HCM luôn ở ngưỡng 36 - 37oC, có lúc lên đến 39 - 40oC khiến chỉ số UV index (chỉ độ mạnh của tia cực tím phát ra từ ánh nắng mặt trời) tăng cao vượt ngưỡng cho phép. Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tia cực tím tại TP.HCM ở mức cao thường diễn ra vào thời điểm gần mùa mưa.
Tác hại của tia cực tím 
Từ đầu tháng 4 đến nay, trời nắng nóng liên tục, nhiệt độ trung bình cao hơn mọi năm, có khi cao đỉnh điểm đến 40oC gây nóng bức, ngột ngạt, khó chịu. Đặc biệt, chỉ số tia cực tím tại TP.HCM đã đạt mức 10 - mức cực cao - có thể gây bỏng da trong thời gian rất nhanh chóng và nếu tiếp xúc lâu dài thì hậu quả vô cùng nặng nề. Thời điểm tia cực tím cực độ diễn ra từ khoảng 10 - 14 giờ, đây là khoảng thời gian nắng nhất trong ngày.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết khi chỉ số UV đạt ở mức 3 hoặc cao hơn một chút, ra đường phải mặc áo che chắn để bảo vệ cơ thể và đeo kính mát để bảo vệ mắt trước tia cực tím. Trong khi đó, thực tế những ngày này, chỉ số UV index đo được tại TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước đạt ở mức 8 -10. Theo BS CKI Hoàng Văn Minh - Trưởng phòng khám Da liễu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nắng nóng rất dễ gây ung thư da nếu như thường xuyên “phơi nắng” ngoài trời.
Tia cực tím có bước sóng 280 - 315 nm (tia UVB) gây say nắng, đỏ da, da bị cháy nắng, phỏng rộp da, tổn thương DNA trực tiếp thông qua hình thành chuỗi đôi pyrimidine. Tia UVA là tia cực tím có bước sóng 315 -380 nm, có thể xuyên qua mây mù gây rám nắng và lão hóa da do ánh nắng, tạo ra nhiều gốc tự do gây tổn thương DNA gián tiếp; tăng số lượng tế bào viêm trong trung bì; giảm hoạt động trình diện kháng nguyên tại thượng bì và số lượng tế bào Langerhans. Cường độ UVA ổn định suốt ngày và quanh năm đóng vai trò gián tiếp trong việc sinh ra bệnh ung thư da do ánh nắng, đặc biệt các khối ung thư da không melanoma.
Bác sĩ Minh cho biết tia UVB chiếm 5% phổ tia cực tím, không tấn công vào sâu dưới da mà chủ yếu hấp thụ trên bề mặt, là thủ phạm gây cháy nắng và cũng chịu trách nhiệm chính gây ung thư da. Cường độ của UVB thay đổi theo các thời điểm trong ngày, theo mùa, theo địa điểm. Trong khi đó, tia UVA tuy không mạnh như UVB nhưng chiếm 95% phổ tia cực tím và duy trì cường độ ổn định trong suốt những giờ nắng trong năm, có thể thâm nhập sâu, gây thoái hóa da, mất đàn hồi, gây nếp nhăn, lão hóa, sạm da và thậm chí còn gây hại cho mắt. Theo WHO, ước tính trên thế giới mỗi năm có khoảng 12 - 15 triệu người bị mù vì đục thủy tinh thể, và 20% trong số này có thể xuất phát từ nguyên nhân tiếp xúc với tia UVA trong ánh nắng mặt trời.
Ngừa đột quỵ do nắng nóng
Không nên xem thường nắng nóng vì có thể dẫn đến các cơn đột quỵ gây hại nghiêm trọng đến não bộ hoặc các cơ quan khác của cơ thể.

Các loại ung thư da thường gặp
Ung thư da phát triển khi sự phân chia của các tế bào da bị mất kiểm soát. Điều này có thể dẫn đến khối u ác tính gọi là ung thư da. Các chuyên gia về ung bướu chia ung thư da ra thành 3 loại khác nhau gồm:
- Ung thư da tế bào đáy. Đây là loại ung thư lành tính nhất, ít di căn, mặc dù tế bào ung thư có thể tăng trưởng xâm lấn các mô chung quanh và mô sâu dưới da, nhưng không lan rộng ra các cơ quan khác. Ung thư tế bào đáy là loại thường gặp của ung thư da (tỷ lệ 50 - 70%), tiến triển chậm, chỉ ác tính tại chỗ. Tuy nhiên, có thể xuất hiện bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, thường thấy nhất ở vùng đầu mặt 80 - 90%. Ở mặt thường khu trú ở môi, má, thái dương, đôi khi ở trán, lông mày, rãnh má mũi, ở da đầu, tai ít gặp hơn. Khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, và hiếm thấy ở bộ phận sinh dục (1%). Ở niêm mạc không bao giờ bị. Dấu hiệu của ung thư da tế bào đáy là xuất hiện những u nhỏ trên da bằng đầu đinh ghim, màu đỏ hoặc màu hồng, bề mặt nhẵn bóng có một vảy da mỏng bao phủ, đôi khi có giãn mạch nhỏ, các hạt nhỏ li ti có thể lớn dần bè ra hoặc đôi khi lõm ở giữa.
- Ung thư da tế bào gai. Loại ung thư da này thường gặp ở người lớn tuổi và người da trắng, nhưng gặp nhiều nhất ở những người thường xuyên tiếp xúc với các chất gây ung thư như: thạch tín, nhựa trải đường, bitumen, than đá, arsenicm... Khối u thường mọc ở môi, vành tai, mu bàn tay, ban đầu nhỏ, cứng không đau, phát triển chậm như mụn cóc hay vết loét. Loại ung thư này nếu không điều trị sẽ di căn nơi khác, có thể gây tử vong.
- Ung thư da hắc sắc tố. Đây là loại ung thư nặng nhất trong 3 loại ung thư da, thường gặp ở người trung niên và lớn tuổi, người có nước da trắng và tiếp xúc nhiều với ánh nắng gắt. Khối u thường mọc ở phần da lộ ra ánh nắng, hoặc có thể mọc bất kỳ nơi nào trên cơ thể. U thường phát triển từ một nốt ruồi có sẵn làm cho nốt ruồi lớn nhanh, chảy máu, thay đổi màu sắc, đóng vảy và ngứa. Khối u có thể lan nhanh qua các phần khác của cơ thể, vì vậy cần phát hiện và điều trị sớm.

Đề phòng ung thư da hiệu quả
BS Hoàng Văn Minh cho biết nắng nóng kéo dài những ngày qua rất dễ gây tổn hại cho da. Vì thế, để tránh nguy cơ ung thư da, cần bảo đảm áp dụng tất cả các biện pháp chống nắng như: Mỗi khi ra đường phải đội nón rộng vành, có chiều rộng vành > 2,5 cm, phủ được 2/3 khuôn mặt; Đeo mắt kính màu sậm, màu đen, bịt kín khẩu trang (khẩu trang phải phủ kín mặt, chừa 2 mắt đeo kính, sử dụng màu đen, sậm - có tác dụng chống nắng 90%, khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng 60%, khẩu trang y tế màu xanh chỉ có tác dụng cản bụi, quá mỏng, ko có tác dụng chống nắng); Hạn chế ra đường trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều; Thoa kem chống nắng chỉ số SPF 30+ sau mỗi 2 tiếng đồng hồ.
Lưu ý khi sử dụng kem chống nắng: thoa trước 15 - 20 phút trước khi ra ngoài nắng, kem chống nắng chỉ có tác dụng 2 - 3 tiếng, sau đó cần rửa mặt và thoa lại kem mới để có tác dụng bảo vệ tốt, nếu không càng dễ gây ra bắt nắng. Đối với những người làm việc tại môi trường biển, ẩm ướt, hay ra nhiều mồ hôi cần sử dụng kem chống nắng chống thấm nước, hoặc 1 - 1,5 tiếng thoa lại kem một lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.