Câu chuyện những con bò tót lai quý hiếm ở Ninh Thuận là đối tượng nghiên cứu của một đề tài khoa học cấp quốc gia bị bỏ đói đến gầy trơ xương đã gây ra làn sóng chỉ trích của dư luận trong gần 2 tuần qua.
Dù đề tài đã được nghiệm thu là đạt, nhưng thực tế ra sao? Tổng cộng, trong suốt 8 năm nghiên cứu về những con bò tót này đã tiêu tốn tiền tỉ của ngân sách. Vậy nhưng kết quả đề tài là mua được 10 con bò tót lai khỏe mạnh, khoanh nuôi và xác định được đúng là bò tót lai F1, trong khi mục tiêu ban đầu của đề tài quỹ gien quốc gia là dự kiến tạo ra đàn bò tót F2 đến 40 con và bò tót đực quý hiếm F2 là 5 con. Sau đó, sản phẩm được điều chỉnh là đàn bò tót quý hiếm F2 chỉ còn “có ít nhất” 3 con và bò tót đực F2 “có ít nhất” 1 con. Nhưng dự án chỉ có 1 con từ kết quả bò đực dự án giao phối với bò nhà của dân rồi dự án mua lại, còn lại 2 con là bò của dân.
Dù đề tài đã nghiên cứu hoàn thiện 8 quy trình kỹ thuật về chăn nuôi bò tót quý hiếm F1, F2 và tập huấn cho 10 lượt cán bộ kỹ thuật, người lao động tham gia thực hiện đề tài, nhưng lại không tạo ra được bò tót lai F2 cùng dòng (từ bò bố, bò mẹ là bò tót F1) và cũng chưa triển khai được phương pháp thụ tinh nhân tạo, chưa đánh giá được chất lượng thịt của bò.
Đáng nói nữa, dự án tiền tỉ thì vậy, trong khi người dân chẳng tiêu tốn đồng nào của ngân sách mà từ bò tót lai F1 của họ đã tạo ra được F2, F3 và con nào cũng “mập ú”.
Như vậy, liệu rằng đề tài nghiên cứu khoa học tiền tỉ này xứng đáng gọi là thành công? Khi giao đề tài khoa học cần đánh giá, thẩm định kỹ khả năng ứng dụng thực tiễn cũng như quy định cụ thể trách nhiệm và phải được giám sát chặt chẽ. Có như vậy đề tài ấy mới mang lại hiệu quả thiết thực, không tạo ra bức xúc trong dư luận.
Bình luận (0)