(TNO) Khi mang thai, để mẹ và bé khỏe mạnh, hãy bổ sung những chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết sau, theo Healthy.
|
Kẽm. Thiếu kẽm là tình trạng phổ biến và thường xuyên xảy ra ở thai phụ. Kẽm quan trọng vì hai lý do: giúp việc tăng trưởng hợp lý và phát triển hệ thống miễn dịch khỏe mạnh cho em bé.
Nghiên cứu cho rằng kẽm không đủ có thể gây suy giảm miễn dịch ở thế hệ tiếp theo (tức là đến cả đời cháu). Hãy chắc chắn để có được ít nhất 15 mg kẽm mỗi ngày trong chế độ ăn uống. Kẽm được tìm thấy trong các loại thực phẩm chứa protein cao như: thịt và đậu.
Axit folic. Bổ sung đầy đủ axit folic là điều vô cùng quan trọng cả trước và trong thai kỳ nhằm đảm bảo việc tăng trưởng hợp lý và ngăn ngừa dị tật bẩm sinh.
Axit folic hiện diện trong các loại rau có màu xanh thẫm. Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ nên nhận ít nhất 400 - 800 microgram axit folic mỗi ngày.
Magiê. Thiếu magiê có thể làm tăng khả năng cao huyết áp và co giật trong thai kỳ, tình trạng được gọi là sản giật.
Để ngăn chặn sự thiếu hụt này, cần đảm bảo bổ sung 200 mg magiê trong chế độ ăn hằng ngày. Ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh và các loại hạt khác là nguồn cung cấp magiê phong phú.
Dùng đúng lượng magiê mỗi ngày cũng giúp giảm chuột rút ở chân và táo bón thường gặp trong thai kỳ. Ngoài ra, magiê còn quan trọng cho hơn 300 chức năng khác của cơ thể và giúp cơ thể cảm thấy khỏe mạnh.
Vitamin B. Đây là nhóm vitamin rất quan trọng cung cấp năng lượng cho cơ thể, duy trì tinh thần minh mẫn và ngăn ngừa trầm cảm.
Vitamin B cũng đã được chứng minh giúp cải thiện biến chứng thai kỳ như bệnh tiểu đường thai kỳ. Dùng 200 mg vitamin B6 mỗi ngày có thể cải thiện sức khỏe ở những thai phụ bị bệnh tiểu đường. Còn riêng với những thai phụ bình thường khác, lượng vitamin này có thể dùng ít hơn.
Dầu cá. Bộ não con người hoạt động chủ yếu dựa vào DHA, một loại axit béo thiết yếu được tìm thấy trong dầu cá.
Thiếu hụt DHA rất phổ biến ở những phụ nữ mang thai, vì vậy hãy đảm bảo tăng cường bổ sung dầu cá để em bé có thể phát triển mô não khỏe mạnh và tối ưu. DHA cũng có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Canxi. Hàm lượng canxi lý tưởng cho phụ nữ mang thai là 1.500 mg canxi/ngày cộng với 400 - 600 đơn vị vitamin D. Tốt nhất là nên hấp thụ canxi vào ban đêm (giúp giấc ngủ ngon) dưới hình thức chất lỏng, dạng bột hoặc nhai.
Nhiều viên canxi không hòa tan trong dạ dày, và do đó không được hấp thụ đúng cách. Một ly sữa hoặc sữa chua có chứa 400 mg canxi.
Sắt. Khoảng 18-36 mg sắt mỗi ngày là điều cần thiết đối với thai phụ. Thiếu sắt đôi khi có thể gây ra vô sinh. Và phụ nữ mang thai nếu không nhận được đủ lượng sắt có nguy cơ bị thiếu máu, mệt mỏi, trí nhớ kém và suy giảm chức năng miễn dịch.
Nước. Uống nhiều nước là điều cực kỳ quan trọng với các bà bầu. Khi mang thai, lượng máu có thể tăng khoảng 30% và rất dễ xảy ra tình trạng bị mất nước.
Trong quá trình thai nghén, cơ thể cần nhiều nước hơn để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi từng ngày. Nước rất thiết yếu đối với các tế bào máu cũng như phòng ngừa tình trạng khử nước. Tình trạng khử nước khi mang thai có thể dẫn tới những hậu quả như đau đầu, khả năng giữ nước, buồn nôn, chuột rút, phù nề và chóng mặt.
Ngoài ra, nước cũng là thành phần thiết yếu trong sữa mẹ cũng như hỗ trợ quá trình tiết sữa.
Kiểm tra tuyến giáp. Hàng triệu phụ nữ đã không được chẩn đoán suy giáp, và điều đó khiến tỷ lệ sẩy thai chiếm hơn 6%. Suy giáp cũng là nguyên nhân gây dị tật ở em bé.
Điều trị tuyến giáp khá an toàn và dễ dàng trong khi mang thai. Khi biết mình đang mang thai (hoặc cố gắng để có thai), xét nghiệm TSH máu để kiểm tra tuyến giáp là bước cần thiết để tránh những rủi ro về sau.
Bên cạnh việc bổ sung các dưỡng chất và vitamin thiết yếu, các chuyên gia sức khỏe còn đưa ra một vài cảnh báo cho thai phụ: tránh dùng hơn 8.000 đơn vị vitamin A mỗi ngày; không tham gia vào bất cứ hoạt động nào làm tăng nhiệt độ cơ thể lên quá cao (bồn tắm nước nóng, phòng tắm hơi, phòng hơi nước), tránh thuốc lá, ma túy và rượu bia. Mặc khác, tập thể dục nhẹ nhàng cũng đã được chứng minh rất có lợi cho sức khỏe của mẹ lẫn bé.
Ngọc Khuê
>> Phòng ngừa nguy cơ loãng xương cho thai phụ
>> Những nguy cơ ở thai phụ huyết áp cao
>> Ăn trứng bảo vệ sức khỏe thai phụ
>> Nhu cầu dinh dưỡng ở thai phụ
>> Thai phụ cảm lạnh, con có nguy cơ bị hen
>> Thai phụ có nên ăn đậu phộng ?
>> Thai phụ ngủ ngáy có thể sinh con nhẹ cân
Bình luận (0)