Nhu cầu dinh dưỡng ở thai phụ

20/02/2014 15:59 GMT+7

(TNO) Theo các chuyên gia, những gì bạn ăn trong 9 tháng mang thai vô cùng quan trọng bởi những dưỡng chất đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.


Thai phụ cần tăng cường bổ sung nhiều dưỡng chất quan trọng cho thai nhi - Ảnh: Shutterstock

Khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng cần tăng cường nhiều hơn so với lúc bình thường nhằm đảm bảo các dưỡng chất quan trọng cho cả mẹ và em bé phát triển tốt, theo Dummies.

Vitamin D. Vitamin D trong cơ thể em bé được cung cấp từ cơ thể mẹ. Nếu người mẹ không có đủ vitamin D, nghĩa là em bé cũng bị thiếu hụt dưỡng chất quan trọng này. Lượng vitamin D quá ít, có thể khiến bào thai suy yếu, trong khi đó nếu vitamin D quá nhiều có thể gây dị tật bẩm sinh. Đó là lý do vì sao cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi được phép sử dụng thuốc bổ sung. 

Vitamin E. Để tạo ra các mô mới (ở cả mẹ lẫn em bé), thai phụ cần tăng cường bổ sung vitamin E trong khẩu phần ăn hằng ngày. Những thực phẩm giàu vitamin E gồm đậu tương, giá đỗ, vừng, lạc, mầm lúa mạch, hạt hướng dương.

Vitamin C. Là chất kết dính giữa các tế bào, có tác dụng quan trọng trong quá trình hấp thụ, vận chuyển các nguyên tố sắt trong máu. Ngoài ra, vitamin C còn có tác dụng làm tăng khả năng chống lại bệnh tật. Khi thiếu hụt vitamin C, sức kết dính của thành vi mạch kém nên rất dễ xảy ra xuất huyết nhiều chỗ, đe dọa tới thai nhi.

Canxi. Canxi rất cần thiết cho sự phát triển của xương và răng em bé. Sữa là nguồn thực phẩm dồi dào dưỡng chất này. Nếu không bổ sung đủ canxi, cơ thể sẽ tự động lấy canxi từ xương của mẹ để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi. Mức tiêu thụ canxi mỗi ngày khi mang bầu là khoảng 1.200 mg.

Riboflavin (vitamin B2). Để bảo vệ em bé chống lại các khuyết tật cấu trúc như hở hàm ếch hoặc các bệnh về tim, phụ nữ mang thai cần thêm 0,3 mg riboflavin mỗi ngày. Vitamin B2 có nhiều trong sữa, thịt, ngũ cốc và trứng.

Axit folic. Được xem là “siêu” vitamin vì rất có lợi cho sự phát triển của não và hệ thần kinh của thai nhi. Ngoài ra, axit folic còn rất quan trọng trong quá trình tạo hồng cầu (hình thành tế bào máu đỏ). Mức tiêu thụ dưỡng chất này là 600-800 mg mỗi ngày. Nếu có thể hãy bổ sung axit folic ngay từ trước khi mang bầu.

Cùng với việc uống viên nang bổ sung axit folic, thai phụ nên chú trọng đến những thực phẩm giàu dưỡng chất này như: rau lá màu xanh đậm, ngũ cốc, gan, đậu, bơ đậu phộng, măng tây.

Sắt. Ở phụ nữ mang thai, tình trạng thiếu máu gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 50% phụ nữ mang thai trên thế giới bị thiếu máu. Sắt rất cần thiết để sản xuất các tế bào máu đỏ.

Trong giai đoạn thai kỳ, thể tích máu ở người mẹ tăng lên, cơ thể của người mẹ cần bổ sung chất sắt để tạo ra hemoglobin, một phần của các tế bào máu đỏ giúp mang oxy đến nuôi dưỡng thai nhi. Sắt trong thực phẩm có mặt chủ yếu ở các loại rau như: rau ngót, rau muống, thịt nạc và cá biển. 

Vitamin B12. Giống như các vitamin B khác, Vitamin B12 rất quan trọng cho sự trao đổi chất. Nó giúp hình thành các tế bào máu đỏ và duy trì hệ thần kinh trung ương. Nồng độ vitamin B12 trong máu của người mẹ cần đảm bảo được cung cấp đầy đủ có thể giúp bảo vệ thai nhi tránh được dị tật ống thần kinh.

Ngọc Khuê

>> Thai phụ cảm lạnh, con có nguy cơ bị hen
>> Tránh đầy hơi ở thai phụ
>> Thai phụ có nên ăn đậu phộng ?
>> Món ăn thai phụ nên kiêng
>> Thực phẩm giàu canxi tốt cho thai phụ
>> Những loại trái cây tốt cho thai phụ
>> Bốn bài tập thể dục tốt cho thai phụ
>> Thực phẩm cho bà bầu
>> Thực phẩm giúp đốt calo
>> Hiểu về các nhóm thực phẩm
>> Thực phẩm tốt cho mùa đông
>> Tóc đẹp nhờ thực phẩm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.