Đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 có mang tính đối phó?
01/04/2021 09:40 GMT+7
Bên cạnh nhận xét về yêu cầu của đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều giáo viên còn cho rằng Bộ GD-ĐT làm đề kiểu mang tính đối phó.
Tự động phát
Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (khuya 31.3), nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm về đề tham khảo này.
Không theo ma trận hay định hướng cho giáo viên và học sinh ôn tập
Một giáo viên môn sinh học dạy tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, nói: "Cá nhân tôi thấy Bộ làm không có tâm, mang tính đối phó. Thứ nhất, cả cơ quan Bộ chỉ đạo cả nước mà khi công bố đề tham khảo còn thiếu đề các môn khác (hiện chỉ công bố 7 môn). Nếu vì lời hứa là công bố đề thi tham khảo trong tháng 3 thì phải làm cho đầy đủ để công bố một lần, điều này không khó với một cơ quan quản lý cả nước. Thứ hai, soạn đề tham khảo giống như lấy câu hỏi gắn vào cho đủ, không theo ma trận hay định hướng cho giáo viên và học sinh học tập, cắt ghép vội vàng quá, tội thầy và trò”.
Môn sinh: Cấu trúc và độ khó giống đề chính thức năm 2020
Giáo viên Võ Thanh Bình, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), nhận xét nội dung đề tham khảo môn sinh nằm trong hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học năm nay. Cấu trúc và độ khó giống đề chính thức năm 2020.
Vì vậy, theo thầy Bình, nếu đề chính thức gần giống đề minh họa thì điểm thi năm nay sẽ cao như năm ngoái.
Cũng với môn sinh học, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nhận định đề minh họa đáp ứng mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT, đề có một số câu hỏi chương trình lớp 10 và 11 tuy nhiên số lượng câu này rất ít, tập trung chủ yếu ở chương trình 12. So với đề thi chính thức năm 2020 thì đề minh họa có phần dễ hơn. Câu hỏi tập trung các kiến thức cơ bản. Với đề thi này chưa thể hiện độ phân hóa học sinh giỏi để đáp ứng mục tiêu xét tuyển đại học nên học sinh chỉ tham khảo để định hướng học tập vì đề thi chính thức có thể sẽ khó hơn. Đặc biệt học sinh không được chủ quan dựa vào đề thi để định hình nhóm câu hỏi và kiến thức trọng tâm từ đó dẫn đến học lệch kiến thức.
Môn hóa: Kiến thức đảm bảo mục đích của kỳ thi 2 trong 1
Qua đề minh họa môn hoá, thạc sĩ Phạm Lê Thanh nhận xét nhìn chung đề thi minh họa với kiến thức đảm bảo mục đích của kỳ thi 2 trong 1: Tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH. Đa số kiến thức trọng tâm phân bố ở chương trình hóa học lớp 12, có khoảng 2 câu thuộc lớp 11 ( phần Phân bón hóa học và Đại cương hữu cơ).
Đề thi đảm bảo không cho các nội dung trong phần tinh giản mà Bộ đã hướng dẫn trong công văn hướng dẫn điều chỉnh dạy học 3280. Các câu hỏi trong đề đa số tăng tính thực tiễn cuộc sống, liên quan kiến thức thực hành thí nghiệm ... Với đề thi này, các em học sinh ôn tập thật kỹ lý thuyết chủ đạo và toán cơ bản sẽ dễ dàng giải quyết triệt để 75 - 80% đề thi.
Qua đây, các em học sinh cần phải trang bị thật tốt lý thuyết nền tảng và rèn luyện tư duy đọc nhanh nhưng phải cẩn thận với các câu lý thuyết đếm phản ứng, đếm phát biểu đúng sai vì rất dễ nhầm lẫn cho kết quả không chính xác. Về phần bài tập toán vận dụng và vận dụng cao chiếm khoảng 15 - 20% đề thi rơi vào các dạng quen thuộc trong các đề thi THPT những năm trước của Bộ, nên các em học sinh khi được thầy cô ở trường ôn luyện và rèn kỹ năng làm bài sẽ dễ dàng giải quyết triệt để các câu hỏi này.
Lưu ý rằng đây chỉ là đề thi minh họa với mức độ khó của các câu vận dụng cao chỉ để tham khảo, qua đó thầy và trò có thể rà soát lại những nội dung học tập trọng tâm nhất, là cơ hội cho học sinh thử sức với đề thi, có thể các em tự mình thi thử có canh giờ với đề thi này, cọ sát với thực tế xem mình đạt tầm điểm số bao nhiêu, kiến thức nào chưa vững có thể ôn luyện kỹ càng hơn nhằm đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT sắp tới.
Bình luận (0)