Vừa qua, học sinh toàn quốc đã làm bài thi học sinh giỏi văn quốc gia 2022. Đề bài với hai câu, nghị luận xã hội (8 điểm) và nghị luận văn học (12 điểm).
Thí sinh thi học sinh giỏi quốc gia các năm trước |
thành tâm |
Nghị luận xã hội dẫn ra một đoạn văn bản trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 10, về câu chuyện một hòn đá, để thí sinh trình bày ý kiến về câu chuyện trên. Phần nghị luận văn học nêu: “Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời, vươn tới các giá trị bền vững”. Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về quan điểm trên.
"Ra đề kiểu danh ngôn làng nhàng, mình thà bỏ trắng"!
Tôi vốn không phải là người đồng nhất hiệu quả của giáo dục thông qua giải thưởng các kỳ thi. Sự học về con người và cuộc sống thông qua những con chữ càng cần một công cuộc lặn sâu hơn nhiều lớp vỏ danh hiệu.Tuy nhiên, tôi vẫn dành sự quan tâm nhất định đến kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hàng năm, đặc biệt, chờ đợi để biết đề thi văn năm nay như thế nào.
Đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn năm 2022 quả thực không gợn tí sóng động nào trong não tôi khi tiếp nhận. Nó khá an toàn: không lắt léo, khó hiểu. Nó khá giản dị: không câu từ hoa mỹ, không đao to búa lớn. Nó khá cầm chừng: ngữ liệu quen thuộc trích từ sách giáo khoa, ngôn từ bình dân.
Bằng sự quan tâm và tính tò mò sẵn có, tôi đi tìm đọc những ý kiến của giáo viên, phụ huynh và cả thí sinh về đề bài này. Gần như 70% thông tin tôi có thể tiếp cận đều tỏ ra hững hờ và có cả thất vọng vì đề thi không có gì để… huyên náo. Có lẽ vậy, mà cuối cùng tôi cũng đã tìm được một thứ khiến mình ngạc nhiên: Cảm giác của mình khi tiếp nhận sự an toàn - giản dị đã khác đi nhiều so với những ngày còn niên thiếu.
Đề thi học sinh giỏi văn quốc gia 2022 |
chụp màn hình |
Tôi là cựu học sinh chuyên toán cho tới hết lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP.Vũng Tàu, song vì đam mê với văn, tôi nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi văn quốc gia.
Ngày là học sinh, tôi thường ghét những kiểu đề văn an toàn. Tôi luôn mong muốn có ngữ liệu văn bản tầm cỡ, phát ngôn tầm cỡ cho xứng tầm với cuộc đọ chữ của những nhân tài một đất nước. Đến mức, tôi còn huênh hoang tuyên bố với bạn bè chung đội tuyển rằng: “Nếu năm nay mà ra đề kiểu danh ngôn làng nhàng, mình thà bỏ trắng”.
Sự khao khát ngôn liệu mới trong một đề văn biến tôi nhìn tính mới và sự sáng tạo theo một lăng kính nghèo nàn. Tôi mặc nhiên cho rằng trải nghiệm cuộc sống và văn học chỉ bung tỏa khi được giao cho một đề bài phải hay, phải bùng nổ.
May mắn, cô giáo của tôi đã cho tôi sự tự nhìn nhận về chức năng của một đề bài, rằng nếu tôi nghĩ rằng phải đợi đề mới, bùng nổ mới xứng đáng để làm thì có thể dừng lại quá trình này. Luôn có một con đường khác sau một đề thi. Con đường đó, bảy năm qua tôi vẫn chưa đi hết.
Con đường sau một đề thi
Con đường đó bắt đầu từ cách tôi nhìn nhận đúng nghĩa về chức năng của một đề thi và nhiệm vụ của mình với con chữ. Tôi nhớ không nhầm, từ đầu từ năm 2015, yêu cầu của đề bài nghị luận văn học thường được đề cập “bằng tri thức và trải nghiệm văn học”. Trong năm 2022, đề bài ghi “bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học”.
“Trải nghiệm” đối với tôi là một từ hay. Hiểu biết và trải nghiệm văn học còn là một miền đất hứa. Ở đó, thí sinh được phép sử dụng dẫn chứng rộng rãi hơn kiến thức sách giáo khoa hay những tác phẩm đã được học để đối thoại với giám khảo về câu nói, chủ đề được đưa ra.
Năm 2015, khi là thí sinh thi học sinh giỏi văn quốc gia, ở phần nghị luận văn học, tôi đã lấy 75% tác phẩm ngoài chương trình để dẫn chứng. Tôi thỏa sức bàn luận quá trình trải nghiệm văn học với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) hay Rừng Na Uy (Haruki Murakami) mà không chỉ chăm chăm vào Chí Phèo hay Vợ chồng A Phủ. Tôi cũng nhớ, để bắt đầu cho bài viết nghị luận xã hội với trích dẫn “nếu bạn không sống bằng cái đầu của chính mình, bạn sẽ sống bằng cái đầu của người khác”, tôi đã kể về một đám tang.
Bảy năm sau ngày thi, tôi vẫn thấy điều này đúng: Ta có quyền cảm thấy chán ngán hoặc hụt hẫng khi một vấn đề cần bàn luận, một văn bản được đề cập, một cách thức tiếp cận được gửi đến không có gì bùng nổ. Nhưng đó là một phép thử tài tình. Đứng trước các yêu cầu ngỡ như không có gì hứng khởi, tâm hồn có khả năng tạo ra các cuộc hội thoại sâu sắc và mới mẻ trên trang giấy lại được phân tầng rõ nét.
Đổi mới giáo dục, không phải là ra một đề văn nhiều ngữ liệu, lắt léo hình tượng hóa |
nguyễn loan |
Do đó, với tôi, cách thức đổi mới giáo dục không phải là ra đề văn sẽ sáng tạo hơn, nhiều ngữ liệu lắt léo và hình tượng hóa hơn. Cách đồng hành và đối thoại của giáo viên với học sinh, khi tiếp cận đề bài sao cho khơi mở tối đa những dữ kiện sống và học của các em đôi khi là điều cần thiết hơn.
Tôi mong thí sinh trước nhất có sự rung động và trò chuyện với cảm xúc của mình khi nhận được đề thi.
“Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời, vươn tới các giá trị bền vững”. Không có gì xác định được tính bền vững khi ta chưa đi tiếp.
Đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được một sáng mùa xuân cách đây bảy năm về trước. Hôm đó, tôi thi hoàn thành bài thi học sinh giỏi quốc gia môn văn. Đó là ngày “hái trái” cho một quá trình khảo cứu văn học những năm đầu đời. Ngay sau đó, một lộ trình dài hơn đã mở ra với cuộc đời tôi: con đường sau một đề thi.
Con đường sau một đề thi văn học sinh giỏi quốc gia (và đề văn nói chung), dài hơn những chữ được mở ra và rộng hơn những cảm xúc đến ngay lúc tiếp nhận nó rất nhiều.
Bình luận (0)