Ông Lại Nguyên Ân: Có người chửi tôi chuyện ‘giáo viên không gọi học sinh là con’

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/02/2022 19:13 GMT+7

Trong những ngày qua, ý kiến của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân về việc đề xuất giáo viên và cán bộ giáo dục không được gọi học sinh là "con" nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và đề xuất 'giáo viên không gọi học sinh là con' đang gây tranh cãi

ảnh chụp màn hình

Sáng 15.2, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân dành cho phóng viên Báo Thanh Niên một cuộc trao đổi:

* Những ngày qua có lẽ tài khoản Facebook của ông rất “nóng”?

Tôi nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau, từ bình luận cho đến tin nhắn riêng.

Một số khá đông người lịch sự bày tỏ sự đồng tình; những luận điểm hoặc dẫn chứng của họ cho thấy rằng giáo viên không nên gọi học sinh là con.

Cũng có một số thể hiện ý kiến không tán thành trong những nhận xét dưới bài của tôi. Lại có một số rất ít người không nêu lý lẽ phản đối nhưng gửi tin nhắn riêng, chửi bới, bảo rằng tôi đã già rồi mà không chịu ngồi yên đó, lại còn nói bậy. Trên mạng xã hội, chúng ta không thể nào tránh được những kẻ không thể hiện sự hiểu biết, lý lẽ gì nhưng chỉ hùa theo đám đông.

Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, giáo viên không nên gọi học sinh là "con"

THÚY HẰNG

*Ông có thể chia sẻ một số ý kiến phản biện khác?

Tôi thấy trên trang Facebook cá nhân của PGS-TS Mạc Văn Trang có bài khá dài, ý kiến phân tích đáng chú ý. Ông Trang cho rằng nên thông cảm với cách xưng hô của giáo viên mầm non khi gọi trẻ là “con”. Đó là thói quen trong xưng hô của người miền Nam. Tôi công nhận có nét dễ thương trong cách xưng hô “con” với các cô, chú, dì hàng xóm láng giềng, không phải quan hệ máu mủ trong gia đình của người miền Nam. Nhưng đó chỉ là một phần thôi. Trong cách gọi người dưng là “con” nhiều khi bộc lộ thái độ kẻ cả, khó chịu.

Tôi thấy có thể chấp nhận ý kiến phản biện của ông Trang, ở chỗ giáo viên, cán bộ giáo dục có thể gọi học trò là “con” tại trường mầm non vì đối tượng giáo dục ở đây đang ở độ tuổi rất nhỏ. Còn từ bậc tiểu học trở lên, ông Trang cũng cho rằng nên yêu cầu giáo viên không gọi học sinh là “con”.

Nhà trường là nơi bồi dưỡng học sinh từ chỗ là con người tự nhiên trở thành con người xã hội, phải bồi dưỡng học sinh cả tri thức lẫn kỹ năng sống, để các em trưởng thành, có đủ hiểu biết lẫn năng lực sống giữa xã hội. Đối với xã hội người Việt thì đừng nên để các quan hệ gia tộc, gia trưởng ảnh hưởng nặng nề đến việc xưng hô trong nhà trường.

Khẳng định bản thân của mỗi cá nhân cần phải thể hiện ngay từ việc xưng hô giữa giáo viên với học sinh

THÚY HẰNG

*Ông ủng hộ cách xưng hô như nào trong môi trường học đường?

Tại miền Bắc, từ những năm 1960 khi có trường mẫu giáo thì trẻ em mẫu giáo vẫn gọi giáo viên là “cô” và xưng là “em”. Cho tới bây giờ, theo tôi biết, cách gọi như vậy vẫn là hợp lý và được duy trì, tuy đang phát sinh những lệch lạc, một số giáo viên, cán bộ giáo dục nói theo từ miền Nam kiểu gọi học sinh là “con”, “các con”.

Theo tôi, giáo viên phải gọi học sinh THCS là “các em”, “các trò”; lên THPT thì nên gọi là “các bạn”, thậm chí “các anh chị”, nhất là đối với sinh viên đại học. Tôi thấy rất nên khuyến khích học trò cấp THCS, THPT, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay trong không gian trường học.

*20 năm trước, ông đã có bài viết trên tạp chí Tia Sáng nói về việc “hãy xưng TÔI trong giao tiếp với mọi người dưng ngoài đời”. Bây giờ ông vẫn rất tâm huyết với vấn đề trên, vì sao?

Không chỉ trong môi trường học đường, mà cả giao tiếp ngoài xã hội, tôi không đồng tình khi nhiều phóng viên chẳng hạn đi phỏng vấn các cầu thủ bóng đá vẫn xưng “chị - em”, “cô - cháu”, hay viết trong bài báo là “thầy giáo”, “cô giáo” trong khi phải viết là “giáo viên”, “giảng viên”. Người Việt xưa nay áp dụng lối chuyển các danh từ trỏ các thứ bậc, các vai trò trong các quan hệ huyết tộc (gia đình, dòng họ) sang dùng cho các quan hệ giao tiếp xã hội.

Giao tiếp xã hội đích thực là giao tiếp giữa những “người dưng nước lã”, không có quan hệ huyết tộc với nhau. Đem áp dụng các cặp từ xưng hô vừa kể vào giao tiếp xã hội tức là đã mặc nhiên “gia tộc hóa” các mối quan hệ xã hội.

Người ta xem gia đình là những bộ phận, mảnh ghép của xã hội, như xã hội thu nhỏ, nhưng sẽ phạm sai lầm nếu xem xã hội như một gia đình phóng to lên!

Hiện nay đâu đâu chúng ta cũng gặp những cách xưng hô như cháu - bác, cháu - chú, con - bác… giữa người dưng với nhau. Cách xưng hô nghe thì thân tình nhưng gò bó con người vào các vai trò, chức năng trong gia tộc, không tương thích với giao tiếp xã hội. Suy cho cùng, nó kìm hãm sự phát triển của nhân cách tự do.

Ông Lại Nguyên Ân khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học

Ví dụ, một bạn sinh viên 18 tuổi, xưng “tôi” với giảng viên, bạn ấy sẽ thẳng thắn trình bày những quan điểm, chính kiến, phản biện lại với tư cách một cá nhân độc lập, với thái độ của người biết sáng tạo, chủ động chứ không phải là e dè trong cách xưng hô “con” với thầy giáo, “con” với cô giáo, lo lắng việc phản biện của mình có là vô lễ với giáo viên hay không.

*Nhiều người cho rằng việc trẻ em, học sinh xưng hô “con” với các thầy cô giáo cho thấy tinh thần tôn sư trọng đạo, thầy cô cũng coi con em là người trong nhà để dễ dàng dạy dỗ hơn, ông nói gì?

Tôi rất tâm đắc ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, nêu nhận xét của một nhà giáo người Nhật có nhiều năm làm việc tại Việt Nam, nhận xét về các quan hệ con người trong nhà trường Việt Nam. Đại ý, đằng sau cách xưng hô là mối quan hệ quyền lực.

Cách gọi “em” hay “con” thực chất đều nằm trong tư duy “gia trưởng”, coi cả xã hội là một gia đình và các thành viên của xã hội là thành viên của gia đình. Chính vì vậy, bất cứ ai trong xã hội cho dù xa lạ mới gặp lần đầu hay nhân viên công vụ, quan chức… đều được quy vào cách gọi các thành viên trong gia đình như chú, bác, cô, dì, anh,… thậm chí là “bố”, “mẹ”, “con”.

Vận dụng vào nhà trường, cách gọi “con”, “em” làm giới hạn tư thế bình đẳng của học sinh trong việc tiếp nhận kiến thức và sự bình đẳng lẫn nhau giữa người học và người dạy. Không ít giáo viên rất khéo léo ngọt ngào trong giao tiếp, nhưng trên thực tế lại can thiệp thô bạo vào cảm xúc, cá tính, sự biểu đạt, thậm chí cả nhu cầu truy tìm chân lý của các em.

Nhiều người ngụy biện rằng giáo viên gọi học sinh là “con” hoặc “em”, học sinh với giáo viên giáo xưng “con”, xưng “em” hay “tôi” cũng được, quan trọng là tinh thần tôn sư trọng đạo, là sao cho sự học có chất lượng, chứ không phải nặng về xưng hô! Tôi không đồng ý như vậy.

Dân chủ trong trường học, khai phóng trong trường học, tôn trọng mỗi cá nhân và ủng hộ cho sự sáng tạo, khẳng định bản thân của mỗi cá nhân cần phải thể hiện ngay từ việc xưng hô giữa giáo viên với học sinh.

*Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trong bài viết trên trang cá nhân của mình, ông Ân “yêu cầu Bộ GD-ĐT thảo sớm một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung, trước hết là nhà trường phổ thông”.

Thứ nhất, cấm giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "Con", "Các con"; phải gọi là "Trò", "Các trò", "Các em", "Các bạn".

Thứ hai yêu cầu các nhà báo, các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con", khuyến khích các phương tiện truyền thông gọi học sinh là "các bạn"; Cũng yêu cầu các nhà báo, các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là "giáo viên", "giảng viên", không gọi là "thầy", "cô"; dành riêng cho học trò, người đang đi học cách gọi "thầy giáo", "cô giáo".

Thứ ba khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "Tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học.

Hiện vẫn còn rất nhiều những luồng ý kiến tranh luận trái chiều nhau của bạn đọc về việc “giáo viên không được gọi học sinh là con”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.