Vì sao nói mùng 3 tết thầy?

14/02/2021 08:31 GMT+7

Chúng ta hay nghe câu ca “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Câu này có ý nghĩa như thế nào? Tại sao “tết thầy” lại vào mùng 3?

“Tết thầy là tết thầy cô giáo của mình! Dù ra trường cũng đã lâu nhưng mấy năm nay, cứ tới ngày mùng 3 tết chúng tôi thường tập trung nhau đi chúc tết thầy cô giáo cũ, rồi sau đó hẹn nhau đi uống cà phê gặp mặt đầu năm”, Nguyễn Thị Thu, 29 tuổi, trú tổ 11 khu 3 P.Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh nói.
Nhưng tại sao, cha, mẹ trong cùng một nhà mà ngày mùng 1 lại được gọi riêng là tết cha, còn mùng 2 là tết mẹ? Và ngày 20.11 hàng năm đã gọi là ngày Nhà giáo Việt Nam, vậy ngày mùng 3 tết thầy có trùng lặp gì không? Điều này thì Thu không lý giải được. Cô chia sẻ, những điều mình làm thường theo thói quen lặp lại nhiều năm và cũng chưa tìm hiểu sâu sắc.
Anh Nguyễn Hải Hưng, 35 tuổi, Phó giám đốc dịch vụ, Công ty TNHH Toyota Quảng Ninh - Cẩm Phả lại có cách hiểu khác về câu ca “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Anh Hưng chia sẻ, tết cha tết mẹ là tết người thân trong gia đình, còn tết thầy là người mình mang ơn. Năm nào cũng như vậy, trước tết anh đã chuẩn bị một giỏ quà để mùng 3 tết đến thăm nữ hộ sinh tên Loan, bà đỡ đẻ đã sinh ra anh lần thứ 2.
“Cha mẹ tôi kể là khi tôi sinh ra thì người tím tái, không khóc được, mọi người xác định là chết ngạt rồi. Nhưng bà Loan đã bằng mọi giá cứu tôi, vỗ cho tôi khóc được, và da hồng hào dần dần. Tôi hồi sinh, cha mẹ tôi cũng như được sống cuộc đời thứ 2”, anh Hưng kể.

Trẻ em thích thú nhìn nghệ nhân biểu diễn nặn tò he trong một ngày hội tết Việt 2020

Ảnh Khánh Hòa

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, giảng viên, Trưởng bộ môn Văn hoá ứng dụng, Khoa Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Sài Gòn, TP.HCM chia sẻ, có nhiều cách hiểu về câu ca mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy. Có người nghĩ, tết cha, tết mẹ là tặng quà cho cha, mẹ mình. Còn tết thầy là đi thăm thầy giáo. Nhưng hàm ý câu ca kia sâu xa hơn. Người Việt vốn rất trọng những ngày lễ tết và lễ nghĩa, phong tục trong những ngày cổ truyền này. Từ xưa đến nay, quan điểm của người Việt cũng trọng bên nội trước, tức là tết đến nên ghé nhà nội trước, nhà ngoại sau. “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ” nghĩa là mùng 1 tết thăm dòng họ bên nội, sau đó thăm dòng họ bên ngoại, theo thứ tự người nào cũng vai vế lớn hơn trong dòng họ thì phải ưu tiên thăm hỏi trước.
“Mùng 3 tết thầy”, theo tiến sĩ Tiến, thì chữ “thầy” ở đây không chỉ nói về những người dạy học, dạy cho ta cái chữ, mà rộng hơn, còn là ân nhân của ta. Đó có thể là thầy thuốc chữa cho ta khỏi bệnh, người cứu giúp bà con khỏi nọc độc rắn, người coi tuổi đám cưới giúp 2 vợ chồng để bây giờ hai người sống với nhau hòa thuận… Nói chung, “tết thầy”, nhủ là mọi người thăm những người có ơn nghĩa với mình, thân thiết với mình, mọi người cùng hỗ trợ với nhau giúp đỡ nhau trong cuộc sống, công việc. Làm việc cả năm, những ngày tết là lúc mọi người bớt chút thời gian thăm hỏi nhau, để trân quý những mối quan hệ tốt đẹp.

Ngày tết, dạy gì cho trẻ về giá trị truyền thống?

Dịp tết là thời gian lý tưởng để dạy trẻ về những giá trị truyền thống, phong tục tập quán ý nghĩa của người Việt. Như tinh thần đoàn viên, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, truyền thống tảo mộ thăm ông bà trước tết, cách nấy những món ăn truyền thống của Việt Nam hay tinh thần trong câu ca “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”.
Theo các giáo viên, cách hay nhất giúp học sinh hiểu, yêu mến và tự hào về truyền thống văn hoá Việt Nam là tạo cơ hội cho các em học và cảm nhận thông qua trải nghiệm thực tế. Cùng với các chương trình học tập tại trường, việc tham gia vào các hoạt động truyền thống đón tết tại nhà sẽ giúp các em dần hình thành bản sắc và niềm tự hào dân tộc. Đây cũng là cách giữ cho ngày tết truyền thống không dần bị mai một với các thế hệ trẻ mai sau.

Trẻ đọc sách về tết Việt Nam

Ảnh Bảo Vy

Chị Nguyễn Ngọc Yến, phụ huynh học sinh lớp 3 tuổi trường Mầm non Sao Mai, P.5, Q.8, TP.HCM chia sẻ, trong những ngày tết con gái chị được cùng mẹ dọn nhà, mua các món ăn như bánh, kẹo, mứt, bánh tét. Những ngày tết, con được mẹ đọc cho các câu truyện như sự tích hoa mai hoa đào, sự tích bánh chưng bánh dày để con hiểu hơn về ngày tết Việt. Khi đi thăm ông bà, người thân, tùy vào độ tuổi của con có thể lồng ghép các bài học về các phong tục, tập quán như cách nhận lì xì vào ngày tết, các câu chúc tết ý nghĩa, “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”.
Cô Mai Thị Uyên Phương, giáo viên phụ trách bộ môn Tiếng Việt tại Trường quốc tế Sài Gòn Pearl, TP.HCM chia sẻ, tết là dịp thế hệ trẻ được trải nghiệm các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, được học về cội nguồn, tổ tiên và lòng yêu thương con người. Từ trước tết, khuôn viên trường được trang trí rực rỡ theo chủ đề của từng năm, được tô điểm bởi các sản phẩm dân gian do chính học sinh tạo ra như mặt nạ, cánh diều. Đồng thời, trường còn dành riêng một số bài học để học sinh tìm hiểu về tết và có cơ hội bày tỏ sự quan tâm của mình đến các thành viên trong gia đình qua hoạt động viết thiệp chúc Tết.
“Những năm trước, trẻ em được học về văn hóa Tết của người Sài Gòn xưa, năm nay các con được tìm hiểu về cội nguồn của tết thông qua các câu chuyện như: Sự tích cây nêu ngày tết, sự tích bánh chưng bánh dày. Từ đó giúp các con yêu thích và giữ được truyền thống văn hoá dân tộc”, cô Phương bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.