Học sinh TP.HCM trước ngày đi học trực tiếp: Bất ngờ với 3 bài văn điểm 10

Thúy Hằng
Thúy Hằng
10/12/2021 15:40 GMT+7

'Những trăn trở của em về cuộc sống bình thường mới ở TP.HCM' là đề bài văn được cô giáo Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong ra cho học sinh. Có tới 3 bài viết được cho điểm 10. Có gì bất ngờ trong các bài viết này?

Trần Quang Vinh (bìa phải) một trong 3 bạn có bài văn được 10 điểm

nvcc

Đề văn nghị luận xã hội trên được cô Bùi Thu Hằng, giáo viên ngữ văn Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, đưa ra cho các học sinh lớp 11CV2 của mình mới đây, trong thời gian các em học trực tuyến. Trong số 35 học sinh, có 3 em đạt điểm 10 là Trần Quang Vinh, Huỳnh Thục Minh Vy, Kiều Thị Thùy Dung.

Nhiều người về “bình thường” nhưng không “mới”

Có những quan điểm của học sinh 16 tuổi được thể hiện rõ ràng trong các bài văn đạt điểm 10 này.

Trần Quang Vinh viết trong bài văn của mình (bạn đọc bấm vào đây để đọc đầy đủ): “Chiến dịch “bình thường mới” đã đưa Việt Nam dần quay lại với một quỹ đạo ổn định. Vậy mà, vẫn còn đâu đó những con người sống “bình thường” nhưng không mới. Không khẩu trang, không giãn cách, không đặt việc chống dịch lên hàng đầu. Họ ngang nhiên sống một cuộc đời bình thản mà tưởng chừng như không có chuyện gì xảy ra…”.

Còn trong bài văn của Minh Vy, nữ sinh đề cập: “Trên phố không khó để bắt gặp hơn mười nhóm người tụ tập để tập thể dục, nhậu nhẹt hay thản nhiên vừa mua hàng vừa buôn chuyện. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu họ tuân thủ quy tắc 5K hoặc cơ bản chỉ cần đeo khẩu trang và đứng cách xa nhau.

Nhưng ngược lại, họ chẳng những không tuân thủ luật pháp mà khi bị xử phạt còn cố đôi co với những người thi hành nhiệm vụ cũng như viện mọi lý do để bảo vệ cho hành động hết mực vô lý và sai trái của mình… Nhiều quán ăn, cửa hàng lớn nhỏ, đặc biệt các quán nhậu bất chấp mở cửa thâu đêm hoặc vẫn có quán “nuông chiều” để khách ở lại và đóng kín cửa lại. Vậy, đã đến lúc chúng ta tự đặt ra câu hỏi, liệu bản thân có đi quá xa ranh giới giữa “thích nghi” và “sống vô ý thức?”.

Kiều Thị Thùy Dung

nvcc

Hay trong bài viết của Thùy Dung, em cũng thẳng thắn nêu quan điểm: “Liệu “bình thường mới” có vô tình làm phai mờ “truyền thống cũ”? Đã có biết bao nhiêu hoạt động mang giá trị văn hóa dân tộc, nghi lễ tôn giáo, ngày lễ kỷ niệm, giao lưu văn nghệ buộc phải tinh giản hay hủy bỏ nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Phương án được đề ra là chỉ tổ chức với quy mô nhỏ, yêu cầu người tham gia ngồi giãn cách, thậm chí đa số sự kiện đều hoàn toàn chuyển qua hình thức trực tuyến. Và hẳn rằng khi dịp Tết Nguyên đán đến, các phong tục như đi lễ chùa, chúc tết, tham gia trò chơi dân gian sẽ không còn nhiều như xưa bởi sự e dè, lo lắng cho sức khỏe bản thân, gia đình. Chẳng còn nữa những cái bắt tay, cái ôm nồng nhiệt, thay vào đó chỉ còn là lời chào cùng mối quan tâm về khoảng cách, khẩu trang, xịt khuẩn. Một năm, hai năm, rồi ba năm,… khi Covid-19 vẫn còn hiện diện, không ai dám đảm bảo rằng cái “chất” vốn có của những truyền thống đậm đà bản sắc ấy sẽ được vẹn toàn phát huy, lưu giữ…”.

Môn văn giúp em biết đồng cảm, thấu hiểu người khác

Chủ nhân 3 bài văn đạt điểm 10 trên cảm nhận như thế nào về môn văn?

Minh Vy cho hay trước khi viết bài văn này, em đọc nhiều bài báo để tìm hiểu, thu thập thông tin. Khi đã có ý tưởng và dàn bài sẵn rồi thì quá trình viết rất nhanh. Sau đó, kiểm tra lại nội dung, diễn đạt câu, chắt lọc lại ý.

“Em cảm thấy rất thích thú với đề bài “mở” này, vì học sinh có quyền sáng tạo nhiều hướng đi, cách suy nghĩ riêng mà không bị bó buộc. Nhờ bài văn này mà em có cơ hội thể hiện những suy nghĩ, quan điểm với tư cách là một học sinh. Viết bài nghị luận này cũng khiến em và các bạn cảm thấy mình được đóng góp một chút gì đó trong tình hình dịch bệnh căng thẳng”, Minh Vy nói.

Nữ sinh cho biết việc đến với chuyên văn như một cơ duyên và chưa bao giờ cảm thấy hối hận. “Một thầy giáo đã từng dạy em môn văn là hơi thở của cuộc sống, được lấy cảm hứng từ cuộc sống nên thiết nghĩ mọi triết lý, nhân sinh quan làm người đều xuất phát từ văn mà ra. Cũng như vậy, học văn, em trưởng thành hơn rất nhiều trong học tập, các mối quan hệ nói riêng và cuộc sống nói chung. Nhờ văn, em mới có thể hoàn thiện nhiều “mảnh ghép còn sót" của mình”, nữ sinh vừa giành điểm 10 môn văn chia sẻ.

Huỳnh Thục Minh Vy

Trần Quang Vinh thì cho hay em mong muốn được học về ngành truyền thông trong tương lai. Yêu thích công việc viết lách, Vinh thi vào lớp chuyên văn Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong và cảm thấy môn học này rất thú vị. Đặc biệt là những đề bài nghị luận xã hội, giúp người học hiểu thêm về cuộc sống xung quanh, cập nhật nhiều kiến thức xã hội hơn. Ngoài học ở trường, Vinh yêu thích nhiếp ảnh và tham gia các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa khác.

Ở một góc độ khác, Thùy Dung chia sẻ trước đây em từng đặt ra các câu hỏi, những băn khoăn về cuộc sống hậu Covid-19. Khi làm đề văn này, Dung và các bạn có cơ hội để thực sự nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này.

Lớp 11CV2 và cô Hằng (góc trên cùng bên trái) trong giờ học trực tuyến

nvcc

“Vào Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, em càng thấy rằng môn văn không chỉ giúp em mở rộng kiến thức văn học mà còn giúp tiếp thu được các kiến thức xã hội và hiểu hơn cuộc sống, con người quanh mình. Em nhận ra giá trị của cuộc sống và biết đồng cảm, thấu hiểu người khác. Đặc biệt trong những ngày tháng nghỉ dịch, việc đọc sách giúp em cảm thấy tích cực, lạc quan hơn phần nào. Với em, những điều môn văn mang lại cho em là một hành trình dài, càng đi trên hành trình đó em càng vỡ lẽ ra được nhiều điều…”, Dung chia sẻ.

Những đề văn gần gũi cuộc sống

Quang Vinh cho biết, em cảm thấy có nhiều cảm hứng sáng tạo với những đề văn gần gũi với đời sống để người viết có thể xâu chuỗi các sự kiện, từ đó bày tỏ, bộc bạch những suy nghĩ, chính kiến của mình.

Trong khi đó, nữ sinh Minh Vy cho hay em thích những cách ra đề văn mở, không bó buộc thí sinh trong một khuôn khổ nhất định và xem đó là “mảnh đất màu mỡ” để học sinh thỏa sức sáng tạo, bộc lộ suy nghĩ của mình.

Lớp học chuyên văn đầy ắp sự sáng tạo của các bạn ở Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong

nvcc

“Với sự phát triển của thế giớicông nghệ, những thế hệ trẻ có cơ hội tiếp xúc nhiều sự đổi mới, được tận mắt chứng kiến nhiều sự đa dạng hóa, hiện đại hóa. Do đó, học sinh cũng mong muốn được “đổi mình” bằng cách sáng tạo, bùng nổ, bứt phá những giới hạn cũ. Qua những đề văn mở, tụi em cảm thấy bản thân được “lắng nghe" nhiều hơn, được bộc lộ, thể hiện suy nghĩ “khác lạ" đó cũng như quan điểm bản thân hay cá tính của mình”, Minh Vy bộc bạch.

'Tôi chấm 9,5 điểm và cộng 0,5 điểm khuyến khích'

Cô Bùi Thu Hằng, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, cho biết theo chương trình dạy học, phần nghị luận xã hội, các em học sinh THPT sẽ được làm các đề bài là viết một đoạn văn nghị luận trình bày quan điểm về một vấn đề, hiện tượng… Điều này cũng để các em làm quen với cấu trúc đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT.

Song, trong thời gian học sinh học trực tuyến thích nghi với dịch Covid-19, cô Hằng đã ra đề để học sinh viết cả bài văn nghị luận xã hội, đề bài cũng rất thời sự, để lắng nghe được trọn vẹn những tâm tư, suy nghĩ của các em, những tư duy, góc nhìn về cuộc sống "bình thường mới" ở một thành phố năng động như TP.HCM.

Cô Hằng cho hay, 3 bài viết trên xuất sắc nhất, cô chấm 9,5 điểm bài làm và cộng 0,5 điểm khuyến khích tinh thần học tập của các em, như vậy cả 3 bài văn trọn vẹn 10 điểm. Điểm này sẽ được tính vào cột điểm kiểm tra 15 phút.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.