Nam sinh 'cách tân' sách giáo khoa ‘gây bão’: Đề văn như miêu tả thế hệ trẻ

07/07/2022 14:34 GMT+7

Đó là chia sẻ của Nam Bảo, chàng trai từng ‘gây bão’ mạng xã hội với dự án thiết kế, dàn trang lại sách giáo khoa hiện hành về đề thi môn ngữ văn tốt nghiệp THPT.

“Trúng tủ kép” đề thi môn ngữ văn tốt nghiệp THPT

Gặp lại Trần Lâm Nam Bảo (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) sau hơn 4 tháng kể từ khi em “gây bão” mạng xã hội, chàng nam sinh điển trai hào hứng cho biết đến hiện tại, dự án “cách tân” sách giáo khoa (SGK) lớp 12 vẫn nhận được nhiều chú ý đồng thời mang lại cho em những cơ hội mới.

Nam Bảo “trúng tủ” tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Ngọc Long

“Sau dự án, có rất nhiều cá nhân và đơn vị liên lạc với em bày tỏ nguyện vọng hợp tác, nhưng thời điểm hiện tại em muốn tập trung cho việc học nhiều hơn. Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, em sẽ bắt đầu đi tìm những cơ hội mới”, Bảo kể.

Trước khi bước vào buổi thi ngữ văn sáng nay, Bảo ôn đủ các tác phẩm và đặt trọng tâm vào bài Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). May mắn đã mỉm cười với em khi đề không chỉ yêu cầu phân tích trích đoạn trong văn bản này, mà còn muốn thí sinh chia sẻ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống - một chủ đề gần gũi với ước mơ trở thành nhà thiết kế đồ họa của nam sinh.

“Đối với mỗi người, cái đẹp có thể nhìn thấy từ những điều bình dị, thân thuộc trong cuộc sống như lá cây rơi dưới đất hay đám mây trôi trên trời. Chính vì thế, nghệ thuật có thể xuất hiện từ bất cứ đâu trong cuộc sống, và cũng là góc nhìn mềm mại, thông cảm với cuộc sống ồn ã thường ngày”, Bảo nhận định.

Đi qua những năm THPT với nhiều câu lạc bộ và dự án ngoại khóa giúp ích cho cộng đồng, Bảo chia sẻ em được phát triển cả về kiến thức lẫn kỹ năng, “giúp em trưởng thành hơn rất nhiều”. Chính vì thế, nam sinh xem đề nghị luận xã hội về trách nhiệm của tuổi trẻ như “trúng tủ một lần nữa”. “Đề văn như miêu tả về thế hệ trẻ chúng em, những người xem trọng nghệ thuật sáng tạo, năng nổ trong các hoạt động xã hội và luôn tự hào về đất nước”, Bảo nhìn nhận.

Trước đó, một trong những hình ảnh thiết kế thu hút của Bảo là sách ngữ văn, với phần bìa minh họa tác phẩm Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và nội dung bên trong là bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu). “Ở sách ngữ văn, em giữ nét hoài cổ và lãng mạn như học sinh thường hình dung về bộ môn này. Nét đặc biệt là thay vì chỉ có phần văn bản như trong sách giáo khoa, em còn thêm ảnh minh họa khái quát về tác phẩm đó”, Bảo chia sẻ.

Dự án thiết kế lại sách giáo khoa của Nam Bảo từng nhận về lượng lớn ủng hộ trên mạng xã hội hồi tháng 2.2022

Ngọc Long

Giáo viên gợi ý giải đề thế nào?

Đánh giá về đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT, thạc sĩ Đặng Thị Kiều Oanh (40 tuổi, giáo viên ngữ văn Trường Quốc tế Quy Nhơn và một trường THPT tại Quy Nhơn) nhận định câu hỏi vừa sức, độ khó vừa phải. “Học sinh với năng lực trung bình có thể kiếm điểm được nếu đọc kỹ đề”, nữ giáo viên nói.

Ở phần đọc hiểu, theo cô Oanh, câu 1, thể thơ của đoạn trích là tự do; câu 2, những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn thơ: trong, tinh khiết, khoẻ, mơn mởn; câu 3, biện pháp tu từ giúp tăng sự gợi hình cho diễn đạt và qua hình ảnh so sánh, tác giả ngợi ca, tôn vinh vẻ đẹp của sức mạnh tuổi trẻ; ở câu 4, đoạn trích thể hiện nhiều suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hy sinh của tuổi trẻ.

“Đọc Con đường của những vì sao của Nguyễn Trọng Tạo, chúng ta tiếp nhận, hiểu thêm về chiến tranh bằng cả cảm xúc và tâm hồn chứ không chỉ dừng lại ở những bài học lịch sử. Đoạn trích giúp hâm nóng tinh thần đối với quá khứ và hy vọng mọi người nhớ về sự hy sinh của thế hệ trước với sự trân trọng, biết ơn”, cô Oanh kết luận.

Trong đề nghị luận xã hội, thạc sĩ Oanh cho biết có 6 luận điểm chính cần triển khai để thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước:

- Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước.

- Giải thích: Nói tới thế hệ trẻ là nói tới những hành trình đầy niềm hưng phấn, với tinh thần trách nhiệm rất cao. Thế hệ trẻ, với đặc điểm trẻ trung, cởi mở của mình, luôn là nét tươi sáng, tích cực của bức tranh cuộc sống.

- Đưa dẫn chứng vào bài.

- Bàn luận: Thế hệ trẻ cần dấn bước vào đời với quyết tâm lớn, với những hành động quyết liệt, vì mục đích đưa đất nước bước lên tầm cao mới, khẳng định được tự thể tồn tại đường hoàng của mình trước thế giới, nhân loại.

- Phản đề: Bên cạnh đó vẫn còn có một bộ phận nhỏ của thế hệ trẻ chưa có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, chỉ biết đến bản thân mình, coi việc chung là việc của người khác,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án.

- Khái quát lại vấn đề nghị luận: trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc và rút ra bài học cho bản thân: Mỗi người trẻ cần ý thức được trách nhiệm của bản thân để tiếp bước các thế hệ đi trước, phải chăm chỉ học hành, rèn luyện đạo đức, phải biết không ngừng khám phá, sáng tạo, “đi con đường người trước đã đi/bằng rất nhiều lối mới”.

Thí sinh hào hứng sau khi hoàn thành môn thi ngữ văn

Ngọc Long

Với câu nghị luận văn học, nữ giáo viên này khẳng định đề không gây bất ngờ với thí sinh. “Vì 2 năm qua đã ra thi hết 4 bài thơ nên trọng tâm năm nay học sinh ôn kỹ văn xuôi, trong đó có Chiếc thuyền ngoài xa. Đề khá hay khi đưa ra mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống”, cô Oanh nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.