Đề thi vào lớp 10 của Hà Nội năm 2025 sẽ tăng yếu tố thực tế

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
31/08/2024 20:10 GMT+7

Sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố cấu trúc và đề minh họa 7 môn thi vào lớp 10 năm 2025, nhiều giáo viên nhận xét đề minh họa thể hiện mục tiêu đánh giá năng lực và tăng cường yếu tố thực tế.

Với đề môn ngữ văn, nhiều giáo viên nhận xét, thay đổi lớn nhất là đề minh họa thi vào lớp 10 tập trung kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh, cụ thể là năng lực đọc và viết. Đáng chú ý, phần đọc lấy ngữ liệu từ văn bản ngoài sách giáo khoa, cho phép đánh giá năng lực đọc của học sinh theo từng kiểu loại văn bản, tránh lối học thuộc, học tủ…

Đề thi vào lớp 10 của Hà Nội năm 2025 sẽ tăng yếu tố thực tế  - Ảnh 1.

Đề thi vào lớp 10 của Hà Nội từ năm 2025 sẽ thay đổi theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng ứng dụng thực tế

ẢNH: TUẤN MINH

Liên quan đến thay đổi lớn này, cô Phạm Thái Lê, giáo viên ngữ văn Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội), nêu đề nghị: khi chọn ngữ liệu không có trong sách giáo khoa vào đề thi, nghĩa là lần đầu tiên học sinh được tiếp cận thì yêu cầu về đáp án, hướng dẫn chấm cũng phải thay đổi.

Theo cô Lê, nếu đòi hỏi học sinh trong khoảng thời gian thi làm đủ các ý như đáp án của người ra đề là yêu cầu phi lý. Chưa kể mỗi một người sẽ cảm về tác phẩm khác nhau. Kể cả một người ở mỗi thời điểm khác nhau cũng sẽ cảm về chính tác phẩm đó không giống nhau. Vì vậy, không thể chỉ có một đáp án đúng. Hơn nữa, việc phân tích một tác phẩm văn học không phải, không nên là mục tiêu chính của việc dạy - học văn.

Với bài nghị luận văn học, nếu đáp án có 5 ý học sinh làm được 2 ý thì chấm điểm tối đa (của quỹ điểm nội dung câu đó), không đòi hỏi học sinh làm đủ ý của thầy mới cho điểm tối đa.

Phần viết của cả hai dạng bài thì chú trọng chấm về cách dùng từ ngữ, cách đặt câu, cách lập luận, cách tổ chức văn bản và sắp xếp ý (tuỳ theo yêu cầu cần đạt của cấp học, lớp học). Tức là tập trung đánh giá năng lực biểu đạt, cái đích của dạy - học văn trong nhà trường.

Nhận định về đề môn toán, thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên toán của Hệ thống giáo dục Học Mãi, cho rằng: Cấu trúc đề thi minh họa thể hiện đúng yêu cầu đánh giá năng lực người học theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có sự giảm nhẹ về các yêu cầu tính toán và tăng cường yếu tố thực tế.

Cụ thể, môn toán cấu trúc khá tương đồng so với đề thi các năm trước đó với 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, thời gian làm bài thi là 120 phút. Nội dung đề thi có sự tăng cường hợp lý một số yếu tố liên quan đến các ứng dụng thực tiễn.

Nội dung kiến thức trong đề thi gồm 3 mạch kiến thức là số và đại số, hình học và đo lường, thống kê và xác suất, bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, mạch kiến thức số và đại số vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (4,5 điểm/10 điểm). Việc tăng cường các câu hỏi liên quan đến ứng dụng thực tiễn nhằm kiểm tra khả năng đọc hiểu và năng lực mô hình hóa toán học của học sinh; từ đó phân loại được thí sinh.

Căn cứ trên cấu trúc, nội dung và phạm vi kiến thức của đề thi, thầy Cường cho rằng học sinh cần xây dựng cho mình chiến lược học tập và ôn luyện một cách khoa học để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh vào 10.

Đề thi môn khoa học tự nhiên, môn lần đầu tiên có thể sẽ "xuất hiện" trong kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội từ năm 2025 cũng được giáo viên của Hệ thống giáo dục Học Mãi nhận xét qua đề minh họa: "Tập trung vào yếu tố ứng dụng thực tiễn của môn học, không có các câu hỏi tính toán phức tạp, không có loại câu hỏi thuộc cấp độ vận dụng cao. Do đó, học sinh cần hiểu bản chất lý thuyết và vận dụng được lý thuyết vào thực tế, tránh học tủ, học vẹt, đồng thời xây dựng lộ trình học tập, ôn luyện phù hợp.

Thầy Nguyễn Tuấn Anh, giáo viên khoa học tự nhiên, Trường THCS Chương Dương (Q.Hoàn Kiếm), nêu tính thực tế trong đề thi thể hiện qua việc đề cập tới nhiều sự vật, vật chất, thậm chí các loại lực quen thuộc trong cuộc sống, hay câu hỏi về chiều cao thực tế và bóng đổ của một cây xanh trên sân trường...

Tương tự, đề thi minh họa môn lịch sử - địa lý cũng là một môn tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu có trong những môn thi vào lớp 10 của Hà Nội. Đề minh họa mà Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy có 40 lệnh hỏi ứng với 34 câu hỏi và chia làm 2 phần tương ứng với 2 dạng câu hỏi: trắc nghiệm nhiều lựa chọn và trắc nghiệm đúng, sai.

Ngoài dạng câu hỏi quen thuộc là trắc nghiệm nhiều lựa chọn, việc đưa dạng câu hỏi trắc nghiệm đúng, sai, hoặc những câu hỏi có sử dụng tư liệu gốc vào đề thi thể hiện điểm mới trong cách ra đề nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học.

Sở GD-ĐT Hà Nội mới chỉ công bố 7 đề minh họa của 7 môn thi vào lớp 10 từ năm 2025 nhưng chưa nêu kỳ thi này sẽ thi mấy môn trong số 7 môn đó; đâu sẽ là môn thi bắt buộc, đâu là môn lựa chọn và cách thức lựa chọn ra sao.

Các nhà trường và giáo viên cho biết, việc sớm có đề minh họa trước năm học mới rất thuận lợi cho người dạy và người học. Các bài kiểm tra của trường sẽ bám sát cấu trúc đề minh họa, giúp học sinh nắm vững kiến thức và có phương pháp làm bài hợp lý, chuẩn bị tốt cho kỳ thi đặc biệt quan trọng này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.