Các trường CĐ đẩy mạnh liên kết đào tạo liên thông, văn bằng 2 và bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Liên kết với nhiều trường ĐH
Nhiều năm qua, Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu liên kết với các trường ĐH để đào tạo giáo viên, liên thông từ CĐ và trung cấp lên ĐH hình thức vừa làm vừa học. Tuy nhiên, vào năm 2020 khi luật Giáo dục có hiệu lực, các trường CĐ sư phạm chỉ còn đào tạo duy nhất ngành giáo dục mầm non, nên trường tăng cường việc liên kết này. Trường tuyển sinh và đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH tại trường tới 12 ngành sư phạm gồm toán học, sinh học, tin học, tiểu học, mầm non, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, tiếng Anh, hóa học, địa lý và giáo dục công dân và 3 ngành từ trung cấp lên ĐH gồm tiểu học, âm nhạc và mỹ thuật.
Ngoài ra, trường còn liên kết để tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 cho những người đã có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm ở các ngành sư phạm tiểu học, toán, tiếng Anh.
Trong khi đó, Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt cũng vừa công bố danh sách 468 thí sinh trúng tuyển ĐH năm 2020 hình thức đào tạo liên thông vừa làm vừa học tại trường cho 11 ngành sư phạm, do Trường ĐH Đồng Tháp cấp bằng.
Tại Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận, trong khi chờ đợi kế hoạch sáp nhập vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thời gian này trường tiếp tục tuyển sinh ngành sư phạm mầm non và 2 ngành ngoài sư phạm gồm tiếng Anh du lịch, tin học ứng dụng kế toán. Trường cũng liên kết đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH các ngành sư phạm gồm tin học, tiếng Anh, mầm non, toán học, tiểu học, âm nhạc với Trường ĐH Đồng Tháp.
Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk cũng tuyển sinh các khóa bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, liên kết với các trường ĐH như Sư phạm Huế, Nghệ thuật Huế, Học viện Âm nhạc Huế, Phú Yên, Sư phạm Đà Nẵng để tuyển sinh đào tạo liên thông gần 20 ngành sư phạm.
Nhu cầu học liên kết để nâng chuẩn
Theo thạc sĩ Huỳnh Linh Bảo, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt, trường tăng cường liên kết tuyển sinh và đào tạo các hệ này để tạo điều kiện cho giáo viên trong trường có thêm tiết giảng dạy, đồng thời cũng là một trong những cách để trường tồn tại. “Việc liên kết đều đã được Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh cho phép. Hiện tại trường có 30 lớp liên kết với Trường ĐH Đồng Tháp với 1.500 học viên. Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt sẽ đảm nhận dạy 30 - 35% chương trình”, thạc sĩ Bảo nói.
Thạc sĩ Bảo cho rằng nhu cầu học liên thông khối ngành sư phạm trong thời điểm này rất cao do yêu cầu về việc nâng chuẩn giáo viên của luật Giáo dục. “Trường nắm bắt nhu cầu này từ rất sớm nên thu hút rất nhiều học viên tại địa phương hoặc các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Đồng Nai”, thạc sĩ Bảo cho biết thêm.
Tiến sĩ Phan Thế Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng chia sẻ: “Để tồn tại, trường phải năng động tổ chức nhiều hoạt động. Từ tháng 7.2020, luật Giáo dục yêu cầu giáo viên tiểu học phải có trình độ ĐH trở lên, giáo viên mầm non phải đạt trình độ CĐ trở lên, nên nhu cầu học để nâng chuẩn hiện đang rất lớn. Vì vậy, chúng tôi liên kết với các trường ĐH Sư phạm Huế, Hà Nội, TP.HCM để tổ chức các lớp học liên thông dưới sự cho phép của Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh. Bên cạnh đó, trường cũng mở các lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý cho trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh. Nhờ thế, trường đang hoạt động rất ổn”.
Tại Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM, thạc sĩ Nguyễn Nguyên Bình, Phó hiệu trưởng, cũng cho hay được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM, trường liên kết với Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương đào tạo liên thông các ngành sư phạm gồm mầm non và mỹ thuật.
“Trường chủ yếu cung cấp điều kiện cơ sở vật chất và làm công tác tuyển sinh, còn giáo viên thì hầu như 100% là từ Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương vào giảng dạy”, thạc sĩ Bình thông tin. Để có thể duy trì hoạt động tốt hơn, trường còn tuyển sinh và đào tạo 2 ngành ngoài sư phạm là kỹ thuật chế biến món ăn và công tác xã hội.
Bình luận (0)