|
Phải làm gì bây giờ ?
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung, Trung tâm đào tạo kỹ năng Ý Tưởng Việt, kể lại không ít lần các học sinh (HS) nhờ tư vấn cho các em cách bắt đầu để biến ước mơ, mục tiêu của cuộc đời thành hiện thực.
Đây cũng là lo lắng chung của nhiều bạn trẻ. Hoàng Chương, HS Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TP.HCM, cho biết: “Trong lớp, mỗi thành viên đều có sở thích, ước muốn cho riêng mình như trở thành bác sĩ, kỹ sư, tiếp viên hàng không... Nhưng hầu hết đều không biết phải làm gì để hiện thực hóa ước mơ”.
Tại những trang Fan Page của các trường THPT, cũng có rất nhiều thắc mắc tương tự của HS với câu hỏi: Làm thế nào để ước mơ không chỉ là mơ ước?
Thu Trâm, HS Trường THPT Trần Hữu Trang, Q.5, TP.HCM, chia sẻ mong muốn: “Rất mong có được sự định hướng, tư vấn, giúp đỡ cần thiết của người lớn để không chỉ riêng mình mà với các bạn trẻ nói chung không còn lăn tăn phải hiện thực hóa ước mơ bằng cách nào”.
Đừng mơ quá xa vời
Ông Quách Đức Anh, phụ trách dự án Phát triển sinh viên tài năng Hanoi VIP Elite, cũng cho biết ông từng được nghe tâm sự của nhiều bạn trẻ có ước mơ, hoài bão nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc chinh phục ước mơ của mình.
“Sở dĩ có điều này, bởi những ước mơ ấy đôi khi chỉ là sự ngộ nhận, không hình dung chính xác được ước mơ. Mong trở thành tiếp viên hàng không nhưng không rõ công việc đó như thế nào thì không thể biến ước mơ thành sự thật. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là nhiều bạn trẻ có ước mơ quá bay bổng, hơi xa vời, thiếu thực tế…”, ông Anh phân tích.
Cùng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng (TP.HCM), cho rằng niềm đam mê, ước mơ phải được nuôi dưỡng trong thời gian dài. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bạn trẻ có ước mơ xuất phát khá ngẫu hứng, theo bạn bè, hay bị ảnh hưởng bởi người lớn nên không thể nào thực hiện được ước mơ là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Chứng minh bằng năng lực
Thạc sĩ Nhung ví von câu chuyện này tựa như hình ảnh con thuyền đi giữa đại dương. Vì không được dẫn đường, không có sự giúp đỡ của người khác, nên cứ đi mải miết mà không thể cập bến. “Chính vì thế, mỗi bạn trẻ không chỉ biết cách hoạch định mục tiêu, mà cần biết chắc chắn tố chất, sở thích, năng khiếu của bản thân để chọn ước mơ vừa sức, hợp lý, phù hợp với khả năng. Ngoài ra, bậc phụ huynh cần quan tâm và tôn trọng sở thích của con em, chứ đừng ép, đừng tự mình chọn ước mơ thay cho con”, thạc sĩ Nhung khuyên.
Những vị này cũng thẳng thắn nhận định, việc định hướng nghề nghiệp cho HS tại Việt Nam hiện nay còn quá mơ hồ, làm theo phong trào chứ chưa khoa học, không mang lại hiệu quả cao. Trong khi đây là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chuyện biến ước mơ thành sự thật của HS.
Vì lẽ đó, ông Anh dẫn câu chuyện ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, HS tiểu học đã được đi tham quan thực tế các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng. Đến khi lên cấp THCS bắt đầu thực tập, được chính những người trong nghề hướng dẫn, nói về những khó khăn, thuận lợi của công việc… nên không gặp khó khăn trong việc định hình ước mơ, cũng như biết cách phải làm gì để thực hiện ước mơ. “Hãy cho HS Việt Nam được va vào nghề, va vào công việc thật sự như thế”, ông Anh kiến nghị.
Trước khi chờ những thay đổi rõ nét trong việc định hướng nghề nghiệp cho HS, ông Anh cho rằng: Vì xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp, thế nên nếu yêu thích ngành nghề nào, có ước mơ trở thành bác sĩ hay nhà khoa học… hãy cố gắng tìm hiểu những thông tin liên quan và nỗ lực thực hiện ước mơ, chứng minh năng lực bằng cách thi đỗ đại học theo sở thích.
Đơn giản hơn, theo thạc sĩ Nhung, khi đã có ước mơ, hãy tìm chọn cho mình một người (là người thân hay thầy cô… có kiến thức nghề nghiệp mình mong muốn) để làm kim chỉ nam trong việc chắp cánh ước mơ cho bản thân.
Xuân Phương |
Thanh Nam - Trâm Anh
>> Ước mơ của cậu học trò đan rổ
>> Thực hiện ước mơ
>> Ước mơ thành phố không có rác
>> Cô bé 'hạt tiêu' và ước mơ học để thoát nghèo
>> Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ bằng ước mơ
>> Thắp sáng ước mơ hoàn lương
Bình luận (0)