Đề xuất 5 nhóm đối tượng tạm thời không cấp tài khoản định danh điện tử

Thái Sơn
Thái Sơn
18/03/2022 21:10 GMT+7

Các trường hợp đang bị cấm nhập cảnh, xuất cảnh; các trường hợp đang có khả năng, biểu hiện gây hại cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tạm thời không được cấp tài khoản định danh điện tử .

Ngày 18.3, Bộ Công an đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến tham gia dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện của 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghị định.

Tại cuộc họp, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo, cho biết việc xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử cần thiết để đáp ứng yêu cầu lý luận và thực tiễn, tạo hành lang pháp lý để triển khai hoạt động định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an đã hoàn tất các nội dung của dự thảo nghị định và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến tham gia của quần chúng nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, nghị định sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động định danh và xác thực điện tử

Đình Trường

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu trên cơ sở ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành và người dân, Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu tu chỉnh dự thảo nghị định theo hướng các quy định phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, có thể triển khai thực hiện được ngay; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động định danh và xác thực điện tử.

Theo dự thảo tờ trình Nghị định về định danh và xác thực điện tử việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu.

Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiện nay cũng chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Mặt khác, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp; ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước là cấp thiết.

Bộ Công an với vai trò là cơ quan quản lý dân cư nhận thấy cần có trách nhiệm trong việc xác thực, định danh công dân trên môi trường điện tử, góp phần xác định chính xác thông tin công dân, phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện ngay cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử với mô hình tập trung, thống nhất; chỉ cung cấp một định danh gốc, danh tính điện tử duy nhất đối với cá nhân và thực hiện hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Theo dự thảo nghị định đang lấy ý kiến, danh tính điện tử người Việt Nam là tập hợp dữ liệu số trong Cơ sở dữ liệu định danh điện tử quốc gia được so sánh thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân cho phép xác định duy nhất một cá nhân trên môi trường điện tử. Danh tính điện tử của công dân Việt Nam gồm: số định danh cá nhân; họ, tên đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; nơi đăng ký thường trú; thông tin sinh trắc học: ảnh chân dung và vân tay.

Danh tính điện tử người nước ngoài là tập hợp dữ liệu số được so sánh thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh cho phép xác định duy nhất một cá nhân trên môi trường điện tử.

Danh tính điện tử của người nước ngoài bao gồm: số định danh của người nước ngoài (do hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động sinh ra để quản lý danh tính điện tử của người nước ngoài); số ID công dân (nếu có); số hộ chiếu hoặc số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; họ, tên đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; nơi tạm trú tại Việt Nam (nếu có); thông tin sinh trắc học: ảnh chân dung và vân tay (nếu có).

Danh tính điện tử của tổ chức là tập hợp dữ liệu số trong Cơ sở dữ liệu định danh điện tử quốc gia được so sánh thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu về tổ chức cho phép xác định duy nhất một tổ chức trên môi trường điện tử.

Danh tính điện tử của tổ chức gồm: mã số tổ chức (do hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động sinh ra để quản lý danh tính điện tử của tổ chức); tên tổ chức; địa chỉ trụ sở chính; ngành nghề kinh doanh; mã số thuế của tổ chức (nếu có); người đại diện theo pháp luật của tổ chức; mẫu dấu hoặc chứng thư số của tổ chức.

Đối tượng được đăng ký tài khoản định danh điện tử là cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNEID hoặc đến cơ quan công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp Căn cước công dân đối với công dân Việt Nam và cơ quan công an quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài để thực hiện đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử.

Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đối với các trường hợp đặc biệt, việc cấp và định danh điện tử do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định. Việc cấp tài khoản định danh cho người nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Bị cấm xuất cảnh không được cấp định danh điện tử

Dự thảo nghị định đề nghị 5 nhóm đối tượng tạm thời chưa được cấp tài khoản định danh điện tử, gồm: danh tính điện tử của cá nhân, cơ quan, tổ chức chưa rõ ràng; các trường hợp đang bị cấm nhập cảnh, xuất cảnh; các trường hợp đang có khả năng, biểu hiện gây hại cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; các trường hợp không tuân thủ mục tiêu theo quy định và các trường hợp người mắc bệnh tâm thần, hoặc bệnh khác làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình.

Nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử: cơ quan công an tiếp nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân; công an xã, phường, thị trấn (trừ trường hợp công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử khi cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân gắn chip).

Đối với các hồ sơ đăng ký định danh điện tử trực tuyến thông qua ứng dụng VNEID trên nền tảng di động hoặc trang web do Bộ Công an quy định nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký. Cơ quan công an quản lý xuất nhập cảnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với người nước ngoài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.