Trong đó, đề xuất quy định về Hội đồng tiền lương quốc gia (HĐTLQG) với mô hình cơ bản như hiện nay và bổ sung thêm 3 chuyên gia độc lập là các nhà khoa học về lao động, tiền lương, KT-XH. HĐTLQG hoạt động với 4 nội dung chủ yếu: tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu và chính sách tiền lương đối với người lao động; nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá và xây dựng các báo cáo nghiên cứu về các yếu tố xác định mức lương tối thiểu; xây dựng phương án mức lương tối thiểu theo tháng, mức lương tối thiểu theo giờ và việc phân vùng địa bàn áp dụng; tổ chức thương lượng trên cơ sở đó khuyến nghị với Chính phủ việc điều chỉnh mức lương tối thiểu theo tháng và theo giờ hằng năm.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, sau 8 năm hoạt động, HĐTLQG có 15 thành viên, đại diện cho công đoàn, người sử dụng lao động và Nhà nước (Bộ LĐ-TB-XH), tập trung khuyến nghị về lương tối thiểu vùng hằng năm, chưa thể hiện đầy đủ theo tên gọi và mục đích hình thành HĐTLQG; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của hội đồng cũng hạn chế (không có con dấu riêng mà sử dụng con dấu của Bộ LĐ-TB-XH) nên chưa thể hiện rõ tính đại diện cho 3 bên trong quan hệ lao động...
Hội đồng tiền lương quốc gia đã 7 lần khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng và được Chính phủ cơ bản thống nhất. Theo đó, năm 2014 tăng bình quân 15,2%; năm 2015 tăng bình quân 14,2%; năm 2016 tăng bình quân 12,4%; năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3% và năm 2020 tăng bình quân 5,5%.
Bình luận (0)