Đề xuất cải tiến biểu giá điện sinh hoạt còn 5 bậc

Chí Hiếu
Chí Hiếu
05/11/2019 12:11 GMT+7

Theo nhóm tư vấn, biểu giá điện mới nên rút gọn từ 6 bậc (như hiện nay) xuống còn 5 bậc, trong đó sẽ gộp một số bậc không còn phù hợp trong tình hình tiêu dùng điện đã có nhiều thay đổi.

Sáng nay, 5.11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện với sự tham gia của Uỷ ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội, đại diện Bộ Công thương và đông đảo các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng.
Đề án cải tiến biểu giá điện được xây dựng và báo cáo bởi đơn vị tư vấn là bộ môn Kinh tế năng lượng của Trường đại học Bách khoa Hà Nội, do PGS Bùi Xuân Hồi làm Chủ nhiệm.
Điểm đáng chú ý nhất của đề án là cải tiến biểu giá điện bậc thang sinh hoạt vốn gây nhiều tranh luận trong thời gian qua. Theo đó, ngoài phương án 6 bậc hiện hành, nhóm tư vấn đã nghiên cứu kỹ thêm 3 phương án, gồm phương án 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc.
Về phương án 3 bậc, cách chia như sau: hộ dùng dưới 100 kWh/tháng (bậc 1); bậc 2 là hộ từ 101-400 kWh; và bậc 3 là các hộ dùng trên 400 kWh.
Phương án 4 bậc được chia theo cách: bậc 1 từ 0 - 100 kWh; bậc 2 từ 101-300 kWh; bậc 3 từ 301-600 kWh; và bậc 4 là hộ dùng từ 601kWh trở lên.
Với phương án 5 bậc, cách chia các bậc lần lượt là: bậc 1 từ 0 - 100 kWh; bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201-400 kWh; bậc 4 từ 401-700 kWh; và bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Sau khi đề xuất 3 phương án, nhóm tư vấn nhận xét phương án 3 bậc triển khai thực tế sẽ đơn giản hơn 4 bậc và 5 bậc. Tuy nhiên, đây là phương án mà hộ từ 101 - 200 kWh (chiếm 35,4% số hộ dùng điện) sẽ trả chi phí tăng nhiều nhất.
Trong khi đó, với phương án 5 bậc, nhóm nghiên cứu cho rằng phù hợp hơn cả với các mục tiêu định giá như hộ tiêu dùng bậc 101 - 200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án.
Bên cạnh đó, việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay. Cụ thể, với cách chia này, số hộ dùng 100 số điện/tháng trở xuống chiếm 32,7%; số dùng từ 101-200 số điện chiếm 35,4%; bậc 3 (201-400 số điện) chiếm tỷ lệ 20,6%; số hộ dùng từ 401-700 số điện chiếm 4,36%; và số hộ dùng trên 700 số chỉ chiếm 2,74%.
Hơn nữa, 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình. Với các ưu nhược điểm đó, nhóm đề xuất cuối cùng là áp dụng phương án 5 bậc thang.
Cùng với đó, nhóm thực hiện đề án cũng kiến nghị cần luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá quy định kèm theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Theo đó, chu kỳ giá nên theo phương án 6 tháng/lần và được quy định bằng các văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền, công khai chu kỳ điều chỉnh giá. Thời điểm điều chỉnh nên lựa chọn theo mùa mưa, mùa khô, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biết về sản lượng.
Cụ thể, nhóm gợi ý kỳ điều chỉnh giá điện đề xuất sẽ là ngày 1.3 và 1.9 hàng năm. Ngoài ra, có thể thêm cơ chế điều chỉnh bất thường trong trường hợp có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế, dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.