Đề xuất cấm tuyển dụng lao động dưới 15 tuổi

Thu Hằng
Thu Hằng
25/04/2019 08:04 GMT+7

Đây là đề xuất của các chuyên gia tại hội thảo ' Quyền của người chưa thành niên trong bộ luật Lao động sửa đổi' do Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức.

 

Cần quy định phạt mạnh

43% trẻ em từ 5 - 14 tuổi đối mặt với các điều kiện làm việc nguy hiểm
Điều tra quốc gia về lao động trẻ em thực hiện năm 2012 cho thấy có 1,75 triệu trẻ em tham gia lao động tại VN, trong đó hơn 32% làm việc trên 42 giờ một tuần. Còn theo thông tin của UNICEF từ các nghiên cứu quốc tế, tình trạng trẻ em lao động VN phải tiếp xúc với các điều kiện nguy hiểm đang ở mức báo động, 43% lao động trẻ em từ 5 - 14 tuổi phải đối mặt với các điều kiện nguy hiểm tại nơi làm việc, tỷ lệ này ở nhóm trẻ lao động từ 15 - 17 tuổi thậm chí còn cao hơn (chiếm 51%). Nông nghiệp là một trong 3 lĩnh vực nguy hiểm nhất, trẻ em phải đối mặt với các hiểm họa như: điều khiển máy móc nguy hiểm, tiếp xúc với thuốc trừ sâu và mang vác nặng.
Nhìn nhận VN đã có nhiều quy định quan trọng liên quan đến trẻ em, song ông Vijaya Ratnam Raman, chuyên gia về pháp luật và quyền trẻ em của UNICEF, cho rằng dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em ở một số phương diện. Trong hệ thống pháp luật VN, kể cả bộ luật Lao động chưa có một định nghĩa chính thức rõ ràng về “lao động trẻ em”. Ông Vijaya Ratnam Raman khuyến nghị: “Bộ luật Lao động sửa đổi cần bổ sung thêm các quy định về hình thức phạt dân sự mạnh tay hơn đối với những đối tượng thực hiện các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (lao động cưỡng bức, buôn bán ma túy, mại dâm và khiêu dâm) nhằm bảo vệ mọi trẻ em dưới 18 tuổi khỏi bị bóc lột”.
Bà Nguyễn Thị Mai Oanh, điều phối viên dự án - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho hay hiện bộ luật Lao động áp dụng cho người lao động thuộc khu vực kinh tế chính thức, trong khi phần lớn trẻ em lao động trong khu vực phi chính thức, các em dễ trở thành lao động trẻ em nếu không được bảo vệ. “VN đã phê chuẩn Công ước 138 - công ước về độ tuổi tối thiểu được đi làm việc - quy định 15 tuổi là độ tuổi tối thiểu. Do vậy, bộ luật Lao động nên nghiêm cấm việc tuyển dụng hoặc nhận vào làm việc bất kỳ ai chưa đủ 15 tuổi, ngoại trừ một số trường hợp là những công việc nhẹ trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, các nghề truyền thống đan lát, thủ công mỹ nghệ…”.

Chỉ được làm những công việc phù hợp

Theo ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH), dự thảo sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân vào tháng 5 tới sẽ bổ sung nhóm điều luật liên quan đến người chưa thành niên. Ông Thiện cho hay: “Tới đây, chủ sử dụng lao động bắt buộc phải đảm bảo nguyên tắc chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào các công việc phù hợp với sức khỏe để đảm bảo sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động. Ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người chưa đủ 15 tuổi, đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi”.
Cụ thể, không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi vào làm việc, trừ các công việc nghệ thuật (múa rối, hát, xiếc, điện ảnh, sân khấu, múa rối hoặc vận động viên năng khiếu thể dục, thể thao). Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đến 15 tuổi vào các công việc nhẹ theo danh mục quy định của Bộ LĐ-TB-XH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.