Sáng nay 19.4, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX khai mạc Kỳ họp thứ 23 - kỳ họp chuyên đề cuối cùng của nhiệm kỳ 2016-2021. Tại kỳ họp, UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh thống nhất chủ trương chi hơn 20,3 tỉ đồng để tu bổ di tích Chùa Cầu (TP.Hội An, Quảng Nam). Trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, TP.Hội An 50 %.
|
Theo đó, Chùa Cầu được tu bổ bằng cách gia cố hệ nền, móng, mố, trụ; tu bổ hệ sàn, hệ khung gỗ, hệ mái; cải tạo hệ thống cách điện; chống mối toàn bộ công trình; tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D; hội thảo, tọa đàm.
Trải qua 4 thế kỷ cùng sự biến thiên của tạo hóa, Chùa Cầu vẫn là biểu tượng đặc trưng của đô thị cổ nằm vắt mình bên dòng sông Hoài (phố cổ Hội An). Tuy nhiên, trước sự bào mòn của thời gian cùng tác động của con người lẫn thiên tai, di tích hàng trăm năm tuổi này đang xuống cấp từng ngày.
Mới đây, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An thực hiện cuộc khảo sát di tích đặc biệt nằm trong quần thể kiến trúc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Theo đó, ở phần thân cầu, tại nhiều vị trí liên kết giữa đòn tay đỡ mái với các cột bị mục. Nhiều thanh xà gỗ đỡ mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh không thể khớp nối nhau. Các phần mố trụ đỡ xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc vôi vữa.
Kết cấu phần trên (thượng bộ) gồm phần cầu và miếu đang có độ tách rời nhỏ khoảng 10 cm, riêng phần mái nhiều chỗ đã bị dột nước mưa thấm xuống làm ảnh hưởng đến các cấu kiện bằng gỗ của công trình. Ở một số vị trí, nước mưa thấm vào phần mối nối khiến gỗ bị ăn mòn…
Hệ thống chịu lực chính, quan trọng như móng, mố, trụ cũng đã bộc lộ sự xuống cấp phải chống đỡ. Đặc biệt, những tác động từ bên ngoài như dòng chảy của nước và bão, lụt cùng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến di tích Chùa Cầu.
Bình luận (0)