“Đứng hình” vì chờ mặt bằng
Đầu tháng 9.2022, TP.HCM tổ chức buổi lễ bàn giao mặt bằng dự án cầu Long Kiểng (H.Nhà Bè) với sự tham dự của lãnh đạo HĐND, UBND TP.HCM và nhiều sở ngành. Thông thường, dự án chỉ làm lễ các cột mốc quan trọng như động thổ, khởi công, khánh thành. Nhưng đối với những người dự họp, việc bàn giao mặt bằng để… tái khởi động dự án cầu Long Kiểng là sự kiện lớn sau 2 năm với hơn 20 cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc về bồi thường.
TP.HCM muốn thí điểm cơ chế bồi thường “bằng đất theo tỷ lệ” để giải quyết hài hòa lợi ích nhà nước và người dân |
NGUYÊN VŨ |
Dự án này có quy mô không lớn, cầu dài 320 m, rộng 15 m, đường dẫn dài hơn 660 m, tổng mức đầu tư gần 590 tỉ đồng. Được phê duyệt năm 2001 nhưng mãi đến năm 2018 dự án mới khởi công. Người dân hồ hởi chờ ngày dự án hoàn thành để thoát cảnh nơm nớp thiếu an toàn khi đi qua cây cầu sắt cũ kỹ có từ năm 1976, thì bất ngờ nhận thông tin dự án dừng thi công vì vướng mặt bằng của 103 hộ dân, khi công trình đã đạt 40% khối lượng. Người dân không đồng ý với phương án bồi thường vì đơn giá thấp, không đảm bảo cuộc sống nơi ở mới.
Dù mất 2 năm “đứng hình” nhưng không phải dự án nào cũng “may mắn” như cầu Long Kiểng. Nhiều dự án trọng điểm đang thi công rầm rộ bỗng dưng “đắp chiếu” vì vướng mặt bằng còn có Vành đai 2 hay các cây cầu như Long Đại, Tăng Long, Nam Lý, Tân Kỳ - Tân Quý… Sắp tới, TP.HCM dự kiến triển khai hàng loạt công trình trọng điểm, liên vùng mà nếu không có mặt bằng thì chậm tiến độ là điều dự báo từ trước.
Để tháo gỡ khó khăn này, UBND TP.HCM đề xuất thí điểm 2 chính sách đột phá về đất đai. Thứ nhất, tách bồi thường thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B (tổng mức đầu tư dưới 2.300 tỉ đồng), bởi quy định hiện hành mới chỉ cho phép tách bồi thường thành dự án độc lập đối với các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A. Thứ hai, TP.HCM muốn được thí điểm chính sách bồi thường bằng việc giao đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm.
Theo phân tích của UBND TP.HCM, thay vì bỏ ra kinh phí lớn thì dùng đòn bẩy kinh tế bằng cách sử dụng quỹ đất và công cụ quy hoạch để quy hoạch thành các khu tái định cư. Người dân có thể được hoán đổi theo tỷ lệ tương ứng và phù hợp với giá thị trường tại thời điểm triển khai dự án, rút ngắn được thời gian bồi thường, giải quyết hài hòa lợi ích nhà nước và người dân, khắc phục tình trạng dự án “treo”. UBND TP.HCM đánh giá chính sách này sẽ giúp người dân bị thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, đáp ứng được mong muốn tái định cư tại chỗ, tạo sự đồng thuận khi triển khai dự án.
Tại nhiều buổi làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cơ quan T.Ư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết luật Đất đai 2013 sửa đổi, bổ sung dự kiến thông qua trong năm 2023 thì đến năm 2024 mới có hiệu lực. Trong khi đó, thực tiễn đang bộc lộ nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ, thay vì chờ đợi thì TP.HCM xin được thí điểm làm trước.
Tránh trục lợi chính sách
Một chuyên gia công tác tại Bộ TN-MT cho biết, Bộ TN-MT đã có nhiều buổi làm việc với TP.HCM về thí điểm cơ chế đặc thù liên quan đến tài nguyên đất đai. Quan điểm của Bộ TN-MT là ủng hộ TP.HCM thực hiện trước các nội dung đặc thù được đề xuất trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi, bổ sung.
Phân tích thêm về cơ chế bồi thường “bằng đất theo tỷ lệ”, chuyên gia này nhận định cơ chế này giúp đảm bảo tính linh hoạt theo yêu cầu từng dự án và sự tự nguyện của người sử dụng đất. Về bản chất, đây là cơ chế nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng thương thảo, thống nhất, có sự đồng thuận. Trong đó, giá trị đất đai của người dân sẽ được xác định trong tỷ lệ của dự án sẽ được quy đổi để trả lại bằng đất theo mục đích mới tùy theo loại dự án.
“Ví dụ dự án đô thị là đất ở thì trả lại bằng đất ở, dự án phục vụ sản xuất kinh doanh thì trả bằng đất kinh doanh để có thể sản xuất kinh doanh hoặc cho thuê lại. Người dân có thể góp đất ở để chỉnh trang đô thị và được trả lại phần diện tích theo tỷ lệ góp. Tính ưu việt của chính sách này thể hiện ở chỗ người dân được hưởng lợi từ chính quá trình thực hiện dự án, chuyển dịch đất đai, đảm bảo sinh kế bền vững”, vị này nói thêm.
Trong thực tiễn trước đây, đã có một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh áp dụng cơ chế tương tự như tái định cư tại chỗ, bồi thường bằng đất dịch vụ… Cơ chế này cũng phù hợp với dự thảo luật Đất đai (sửa đổi), trong đó cho quy định nhà nước có thể bồi thường bằng đất cùng mục đích, đất khác mục đích, bằng tiền hoặc bằng nhà ở.
Đánh giá cơ chế này có lợi hơn cho người dân, nhưng KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần phân định rõ 2 trường hợp: người đang canh tác trên đất và người mua đất để đầu cơ. Để tránh trục lợi chính sách, ông Sơn cho rằng chỉ áp dụng cơ chế bồi thường bằng đất ở đối với những trường hợp người dân trực tiếp canh tác trên đến nông nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định.
“Đối với những trường hợp mua đất nông nghiệp để đầu cơ hoặc bỏ hoang, thì không có lý do gì nhà nước phải bồi thường bằng đất ở”, ông Sơn nói.
Về tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án độc lập, vị chuyên gia công tác tại Bộ TN-MT cho biết chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Bộ TN-MT đều ủng hộ và TP.HCM có thể chủ động triển khai. Đồng thời, vị này lưu ý TP.HCM phải thực hiện theo thẩm quyền để tránh trường hợp lách luật, tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng để điều chỉnh dự án thuộc diện Quốc hội, Chính phủ chấp thuận xuống thành dự án cấp địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư.
Quyền phải đi đôi với trách nhiệm thực thi
Ở góc nhìn kiểm soát chủ động, thì bản thân cơ chế phân cấp, phân quyền và cơ chế đặc thù chính là một cơ chế kiểm soát của T.Ư đối với đô thị TP.HCM. Tuy nhiên, kết hợp với cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay ở nước ta, thì đó là một cơ chế tổng thể vừa thừa, vừa thiếu, quá chặt ở khâu không cần chặt, quá lỏng lẻo ở chỗ cần chặt chẽ hơn.
Mảng kiểm soát quyền lực chính quyền TP.HCM khi phân cấp, phân quyền mạnh mẽ là không thiếu, chỉ là chưa khoa học. Do đó, cần phân bổ mức độ kiểm soát để bảo đảm khi quyền lực được chuyển giao từ T.Ư xuống TP.HCM được vận hành một cách thông suốt, không bị vướng chỉ vì khâu kiểm soát, nhưng cũng không thể lạm quyền vì thiếu kiểm soát.
Có nhiều quy định được T.Ư đưa xuống, chưa áp dụng, chưa thể thực hiện được ngay, chưa minh chứng được tính phù hợp của nó do cần thời gian sắp xếp, tổ chức thì đã phải tổng kết, báo cáo gây cản trở, nản lòng cho địa phương trong công tác vận hành. Việc kiểm soát ở khâu này cần giảm bớt, đặc biệt là trong bối cảnh “TP.HCM đã quá chín muồi cho sự đón nhận của một thể chế chính thức, dài hơi thay vì thí điểm và mang tính thời vụ như vừa qua”.
Về cơ chế kiểm soát điều hành tại địa phương, với dự thảo thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội lần này, TP.HCM có thể đề xuất một số nội dung có tính kiểm soát nhằm hạn chế lạm quyền như: tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, gia tăng công tác giám sát chuyên đề, áp dụng cơ chế tham vấn mở rộng đối với các dự án thu hồi đất…
Đối với cán bộ thực thi thì quyền phải đi đôi với trách nhiệm, cần phân định thẩm quyền đến đâu thì trách nhiệm đến đó để tránh lạm quyền. Việc chứng minh động cơ trong sáng hay không hoàn toàn khó thuyết phục về mặt pháp lý mà trái lại rất dễ bị lạm dụng.
Thực chất, điều khó thuyết phục hiện nay trong xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức vi phạm không phải ở cơ chế xử lý mà là sự chưa tương đồng giữa cơ chế tổ chức, quản lý, điều hành, sử dụng nhân sự với cơ chế xử lý nhân sự. Vì thế, công tác quản lý, tổ chức, sử dụng nhân sự TP.HCM hay các địa phương khác cũng cần có sự thay đổi hợp lý theo hướng minh bạch hơn trong phân định thẩm quyền quản lý giữa T.Ư và địa phương, giữa quản lý của Đảng và quản lý chính quyền.
TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM
Bình luận (0)