Đề xuất cho bệnh viện công thuê CEO

Thu Hằng
Thu Hằng
07/08/2019 19:32 GMT+7

"Nếu so với bệnh viện tư nhân, để tìm được một giám đốc bệnh viện nhà nước rất nhiêu khê, từ quy hoạch, bỏ phiếu… nhưng bệnh viện hoạt động không hiệu quả thì đưa lên đã khó, mà đưa xuống lại cực kỳ khó".

Đây là ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TP.HCM, tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 7.8, góp ý nội dung giám sát về tình hình 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hoá để nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo bà Phong Lan, trong thời gian qua, việc thực hiện xã hội hoá, giao quyền tự chủ cho các bệnh viện dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã có một loạt các thông tư, chính sách tháo gỡ dần dần nhưng vẫn còn rón rén.
Lấy ví dụ về vấn đề tổ chức bộ máy, bà Phong Lan đặt vấn đề: “Tại sao không thuê CEO cho bệnh viện nhà nước? Nếu so sánh bệnh viện tư nhân và bệnh viện nhà nước, thì để tìm được một giám đốc bệnh viện nhà nước rất nhiêu khê, từ quy hoạch, bỏ phiếu… nhưng sau đó nếu bệnh viện hoạt động không hiệu quả thì đưa lên đã khó mà đưa xuống lại cực kỳ khó, không thể nào tự dưng cách chức người ta được. Còn bệnh viện tư nhân rất nhanh nhạy, chỉ cần HĐQT quyết định là mời CEO về, làm không được thì cho nghỉ".
Cho nên, theo bà Lan, "về mặt tổ chức, chúng ta phải tính cách nào đó để đáp ứng bộ máy vừa hồng vừa chuyên”.
Không chỉ nêu vấn đề tổ chức bộ máy, theo nữ đại biểu TP.HCM, chính sách đãi ngộ và cơ chế bảo vệ bác sĩ của bệnh viện tư nhân cũng hơn hẳn bệnh viện nhà nước. Ở bệnh viên tư nhân họ trả lương cao, thuê luật sư bảo vệ nhân viên, trong khi đó, bệnh viện nhà nước muốn trả lương cho bác sĩ cao hơn “phải lách bằng nhiều thứ”.
“Không bác sĩ nào khi khám chữa bệnh mà nỡ để bệnh nhân chết, nên cần có cơ chế bảo vệ nhân viên y tế. Nhiệm vụ của cơ quan lập pháp là tạo hành lang pháp lý để bệnh viện, cơ sở y tế yên tâm phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ cho bệnh nhân. Nếu không vững trong pháp lý thì một ngày đẹp trời nào đó, chúng ta gặp nhau trong tù”, bà Lan bày tỏ.
Để các đơn vị được cởi trói từng bước trong tự chủ tự chịu trách nhiệm, xã hội hoá đa dạng, có thể kết hợp công tư, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, mong muốn Bộ trưởng Y tế và Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội có ý kiến với Quốc hội đẩy nhanh tiến độ sửa luật Khám chữa bệnh và luật Bảo hiểm y tế; Chính phủ có nghị định hướng dẫn xã hội hoá trong lĩnh vực này.
"Hiện nay, các bệnh viện đang thiếu hướng dẫn khi thực hiện xã hội hoá. Nhiều đề án xã hội hoá đang dừng vì thiếu thông tư hướng dẫn. Nhiều sở Y tế ngại làm vì sợ sai, nên sự phát triển có phần chững lại. Trong khi đó, nguồn lực bệnh viện ít, phải lấy thu bù chi, muốn đầu tư lớn phải có xã hội hoá", ông Tuấn nói.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ này đã ban hành các thông tư phân cấp, phần quyền cho các bệnh viện. Còn xây dựng nghị định về tự chủ cho các bệnh viện, Bộ đã trình gần 1 năm, nhưng Chính phủ yêu cầu dừng để ban hành nghị định chung về vấn đề này.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, 100% đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên tế và tài chính. Trong đó, 5 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (0,2%), 235 đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên (gần 12%), khoảng 1.200 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên. Có 26/45 bệnh viện trực thuộc Bộ đã tự chủ chi thường xuyên (58% cơ sở khám chữa bệnh).
Các bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý đã giảm chi khoảng 562 tỉ đồng mỗi năm so với năm 2015. Số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng giảm mạnh, vì chỉ riêng 26 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên thuộc Bộ đã có hơn 30.800 người, với số tiền chi khoảng 2.900 tỉ đồng mỗi năm.
Ở cấp địa phương, qua báo cáo của 55 tỉnh, thành thì ngân sách cấp cho bệnh viện năm 2018 đã giảm gần 8.900 tỉ đồng so với năm 2015 - năm trước khi tính tiền lương vào giá dịch vụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.