Để giảm chi phí học tập, có thể cho học sinh (HS) mượn hoặc thuê sách giáo khoa (SGK) được không?
Xu hướng cấp miễn phí SGK ở các nước
Chương trình giáo dục, SGK và hệ thống đánh giá được xem là 3 yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng của giáo dục phổ thông.
Bộ GD-ĐT đề xuất mua sách giáo khoa bằng ngân sách, cho học sinh mượn |
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên công nghệ, tài liệu số đang dần trở nên phổ biến và để người học tăng cường chủ động, tìm kiếm tài liệu học tập đa dạng, vai trò của SGK đã giảm. Chẳng hạn, ở Mỹ các trường học cũng có SGK nhưng trong bài giảng của giáo viên, kiến thức ở SGK chỉ chiếm 15 - 20%. Còn ở Úc không có SGK, tài liệu giảng dạy do nhà trường và giáo viên tự biên soạn dựa trên khung chương trình giáo dục đã quy định.
Sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 cho năm học mới giá cao gấp nhiều lần sách cũ nên mượn hoặc thuê sách là một giải pháp giúp tiết kiệm chi phí |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Mỗi quốc gia có các bộ SGK khác nhau, là sản phẩm văn hóa đặc trưng cho từng dân tộc và phải được thẩm định, cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn có một ít nước xem xét nhập bộ sách của nước khác cho nước mình. Chẳng hạn Hàn Quốc đã nhập SGK của Nhật Bản (về toán và khoa học tự nhiên) để giảng dạy cho HS.
Ở Nhật Bản, SGK có nhiều bộ khác nhau. Các trường công được tự chọn bộ SGK phù hợp, còn trường tư có quyền tự chủ nhiều hơn nên sẽ lựa chọn học theo sách hay tự soạn nội dung theo khung chương trình quy định. SGK được phát miễn phí cho HS ở các trường công lập. Các trường tư thục hoặc bán công thường tính phí mua sách vào học phí. Phía sau mỗi cuốn SGK ở Nhật Bản đều in thông điệp: “Cuốn sách giáo khoa này được gửi gắm đến các bạn là những chủ nhân tương lai của Nhật Bản. Sách được cấp phát miễn phí từ tiền thuế của nhân dân. Hãy sử dụng một cách cẩn thận”.
Hình thành thị trường mua bán SGK cũ
Ở các nền kinh tế có thu nhập cao hơn ở châu Á như Hồng Kông, Trung Quốc hay Singapore, chi phí SGK được trả bởi phụ huynh, tương tự VN. Tuy nhiên ở những nước mà phụ huynh phải mua SGK thì thị trường mua bán lại sách cũ rất sôi động, trong khi VN chưa có thị trường mua bán SGK cũ.
Không có mối quan hệ trực tiếp giữa thu nhập quốc dân với chính sách miễn phí SGK. Nhiều nước ở châu Âu, Bắc Mỹ, hay Nhật Bản có thu nhập cao thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm trở lên, cung cấp miễn phí SGK cho HS. SGK của các nước này mang tiêu chuẩn cao và được tái sử dụng nhiều năm. Tuy nhiên, cũng có nước thu nhập không cao như Nga, Cuba, Triều Tiên vẫn thực hiện chính sách miễn học phí và miễn phí SGK cho HS.
Nhiều nước chú trọng chính sách SGK
Để cung cấp đủ SGK cho HS, trước đây một số nước đã xuất bản một bộ SGK với chi phí thấp. Đến nay, trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục, một chương trình giáo dục cần có nhiều bộ SGK khác nhau phục vụ cho dạy và học. Chính phủ một số nước đã chú trọng đến xây dựng chính sách SGK: thực hiện kiểm soát đơn giá SGK, còn việc biên soạn và xuất bản do các nhà xuất bản chịu trách nhiệm. Hội đồng thẩm định SGK quốc gia do Bộ Giáo dục thành lập có nhiệm vụ thẩm định các SGK đạt hay không đạt yêu cầu theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đã quy định, trong đó có các tiêu chí liên quan đến chất lượng, kỹ thuật in ấn nhằm sử dụng lâu dài SGK, chống lãng phí và hạ giá thành.
Sách giáo khoa trong trường học ở Mỹ |
trần thắng |
Tất cả các quốc gia đều thực hiện miễn phí SGK cho HS diện nghèo, thuộc các vùng khó khăn, miền núi, hải đảo, người dân tộc thiểu số... Tuy nhiên, mỗi nước có sự khác nhau về chức năng, vai trò của các cấp chính quyền trung ương hay địa phương trong việc tài trợ và phân phối SGK.
Để đạt được sự thay đổi thực sự, mang tính toàn diện, hiệu quả, việc xây dựng chính sách về SGK đòi hỏi sự tích hợp của nhiều yếu tố, sự phối hợp liên ngành giữa cơ quan chuyên môn về giáo dục và cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách. Đơn giá SGK phải chú ý đến các yếu tố như: thời gian tồn tại của sách (sách càng sử dụng lâu thì chi phí hằng năm sẽ càng thấp), số lượng xuất bản, tỷ lệ giữa sách tái sử dụng (sách không viết vào trực tiếp) và số lượng sách dùng một lần (có thể viết vào trực tiếp như vở bài tập).
Giảm chi phí cho phụ huynh
Bên cạnh các chính sách về SGK, một số nước đã thành lập quỹ hỗ trợ SGK ở các trường học. Quỹ này do ngân sách hỗ trợ một phần và một phần thu từ cho thuê SGK. Quỹ hỗ trợ này được sử dụng một cách chặt chẽ. Hệ thống cho thuê SGK được áp dụng nhằm giảm áp lực tài chính và được coi như cách để chia sẻ chi phí giáo dục với phụ huynh.
Thay vì bán, các nhà sách tư nhân xây dựng cơ chế cho thuê SGK, chẳng hạn thuê sách mới bằng nửa giá bìa, thuê sách đã sử dụng bằng 1/3 giá bìa và giảm giá thuê dần |
đào ngọc thạch |
Các trường cho thuê một bộ sách đầu năm học và thu lại sách khi kết thúc năm học. Phí thuê hằng năm do phụ huynh trả cho trường và trường có thể nộp lại quỹ hỗ trợ; mức phí thuê do chính quyền địa phương quy định. Nhờ hệ thống cho thuê mà SGK được tái sử dụng nhiều năm. Sách cho thuê đòi hỏi chất lượng giấy, bìa và kỹ thuật đóng sách tốt.
Trong một số trường hợp thì các quỹ hỗ trợ được phát triển tốt, có dư để tái đầu tư cho thư viện trường. Tuy nhiên, thất bại trong việc quản lý quỹ, tiêu cực và thiếu kho lưu trữ, SGK hư hỏng vì mối mọt, thiên tai cũng gây ra những hạn chế đối với việc cho thuê SGK.
Như vậy, việc kéo dài vòng đời sử dụng SGK là điểm mấu chốt để giảm chi phí. Ở những nước thu nhập thấp thì việc in lại tất cả các SGK hằng năm là không hợp lý và gây lãng phí lớn. Những quốc gia đã được xã hội hóa (như Việt Nam) thì Chính phủ nên kiểm soát giá SGK.
Để tái sử dụng SGK (cho mượn hoặc cho thuê), các trường cần có hệ thống sử dụng và bảo quản tốt: kho tốt, có hệ thống lưu trữ và bảo quản; việc quản lý và sử dụng SGK phải được thanh tra, giám sát thường xuyên và công khai, tránh tiêu cực, lãng phí.
Nhiều cách thực hiện
Trước hết, các bộ ngành liên quan, các nhà xuất bản có biện pháp hạ giá thành SGK; Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá SGK đối với HS có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số; nhanh chóng sửa đổi luật Giá để SGK được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Kế đến, ngân sách địa phương hỗ trợ, đồng thời các trường phổ thông công lập vận động phụ huynh, HS, các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí mua SGK mới và quyên góp SGK cũ cho thư viện nhà trường để các HS khó khăn mượn sách miễn phí; đối tượng được mượn được mở rộng dần. Nhà trường thành lập nhóm Zalo, Facebook về SGK để phụ huynh chia sẻ SGK cũ với nhau.
Các trường tư thục và các nhà sách tư nhân xây dựng cơ chế cho thuê SGK, chẳng hạn thuê sách mới bằng nửa giá bìa, thuê sách đã sử dụng bằng 1/3 giá bìa và giảm giá thuê dần.
Thực hiện tốt Chỉ thị 643/CT-BGDĐT về sử dụng SGK, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhà trường, thầy cô, phụ huynh giáo dục HS giữ gìn cẩn thận, không viết và vẽ tùy tiện lên SGK. Lời nói đầu ở các sách nên có thông điệp yêu cầu HS giữ gìn SGK cẩn thận; hết năm học, con em không có nhu cầu tái sử dụng SGK thì phụ huynh tặng lại trường, chia sẻ với phụ huynh khác hoặc bán lại cho các nhà sách để nhà sách bán lại với giá rẻ hoặc cho thuê.
Về lâu dài, theo xu hướng của thế giới, Nhà nước cần xây dựng lộ trình cấp miễn phí SGK (nhà trường cho mượn sách hằng năm), trước hết là đối với cấp tiểu học, cấp học thực hiện giáo dục bắt buộc; sau đó mở rộng dần đến cấp THCS, cấp học sẽ được miễn học phí hoàn toàn từ năm học 2025 - 2026. Các nhà xuất bản SGK cung cấp miễn phí SGK điện tử để cho HS truy cập, tham khảo và học tập.
Bộ GD-ĐT đề xuất mua sách giáo khoa bằng ngân sách, cho học sinh mượn |
Bình luận (0)