Bộ Tư pháp mới đây công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện.
Theo đề xuất, việc thí điểm được triển khai tại 3 địa phương, gồm Hà Nội, TP.HCM và Nghệ An.
Thời gian thí điểm trong 2 năm, sau đó Bộ Tư pháp sẽ tổng kết, đánh giá; nếu thành công thì báo để xem xét áp dụng trên toàn quốc.
Người dân bức xúc vì phải xếp hàng cấp phiếu lý lịch tư pháp
Bộ Tư pháp cho hay, trước nhu cầu ngày càng tăng của người dân, tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp vẫn còn tại ở một số địa phương. Trung bình hằng năm, toàn quốc có khoảng 2% trường hạn bị trễ hạn.
Có thời điểm người dân phải xếp hàng chờ đợi nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp; gây ùn ứ, ách tắc trong việc tiếp nhận hồ sơ, bức xúc trong dư luận xã hội.
Công tác cấp phiếu lý lịch tư bằng hình thức trực tuyến cũng được đánh giá chưa hiệu quả, đa số trường hợp người dân vẫn phải đến trực tiếp hoặc thực hiện qua bưu chính.
Để giải quyết tồn tại đã nêu, Bộ Tư pháp cho rằng phân cấp thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp cho phòng tư pháp cấp huyện, nhằm giảm tải áp lực cho sở tư pháp, là một giải pháp cần thiết.
Tuy nhiên, việc phân cấp chưa triển khai đại trà, mà sẽ thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM và Nghệ An - 3 địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước.
Thống kê cho thấy, từ năm 2021 - 2023, trung bình mỗi năm, Hà Nội cấp hơn 74.000 phiếu lý lịch tư pháp, TP.HCM cấp gần 96.000 phiếu, Nghệ An cấp hơn 57.000 phiếu.
Nhu cầu lớn như vậy nhưng nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của các sở tư pháp còn hạn chế, gây ra tình trạng quá tải cho bộ phận làm công tác lý lịch tư pháp.
Bộ Tư pháp nhận định, ngoài giảm tải áp lực cho sở tư pháp, việc phân cấp thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp còn phù hợp với tinh thần tăng cường phân cấp cho địa phương, qua đó tăng tính chủ động trong quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính.
Trưởng phòng tư pháp là người ký phiếu lý lịch tư pháp
Theo đề xuất của Bộ Tư pháp, số lượng phòng tư pháp áp dụng thí điểm là ít nhất một phần ba trong tổng số phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội và TP.HCM. Riêng tỉnh Nghệ An có ít nhất 5 phòng tư pháp thuộc diện thí điểm.
Danh sách chi tiết các phòng tư pháp thực hiện thí điểm sẽ được Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của UBND TP.Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Nghệ An.
Nếu nghị quyết được thông qua, phòng tư pháp sẽ cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại cấp huyện nơi thực hiện thí điểm; công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, trước khi xuất cảnh có thời gian thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại địa bàn huyện nơi thực hiện thí điểm.
"Trưởng phòng tư pháp hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm ký phiếu lý lịch tư pháp", dự thảo nêu.
Khi có nhu cầu, người dân nộp tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp và bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước, hoặc hộ chiếu tại phòng tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại phòng tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại phòng tư pháp nơi cư trú cuối cùng trước khi xuất cảnh.
Bộ Tư pháp cũng cho hay, nguồn nhân lực để thực hiện thí điểm sẽ tận dụng từ phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện, chỉ bổ sung khi thật sự cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.
Bình luận (0)