Mới đây, Bộ Tư pháp đăng tải tài liệu họp thẩm định đề nghị xây dựng luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cảnh vệ năm 2017. Dự án luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Đề xuất đại tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao là 'đối tượng cảnh vệ' |
Theo Bộ Công an, pháp luật hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ, gồm đối tượng cảnh vệ là con người, đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu và đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện luật Cảnh vệ 2017 và xuất phát từ tình hình thực tế, Bộ Công an cho rằng cần bổ sung thêm đối tượng cảnh vệ trong nhóm con người.
Bộ Công an đề xuất bổ sung đại tướng công an, đại tướng quân đội, chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao là đối tượng cảnh vệ |
ttxvn |
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất bổ sung 4 đối tượng cảnh vệ, gồm: chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao, sĩ quan công an nhân dân có cấp hàm đại tướng và sĩ quan quân đội nhân dân có cấp hàm đại tướng.
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Công an cho hay chánh án TAND tối cao và viện trưởng VKSND tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và kiểm sát hoạt động tố tụng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao.
Với xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp và tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tính chất công việc của các chức danh này ngày càng phức tạp, có thể nảy sinh nhiều tình huống đe dọa tính mạng, sức khỏe.
Trong khi đó, sĩ quan công an nhân dân, sĩ quan quân đội nhân dân có cấp hàm đại tướng là những người giữ vai trò rất quan trọng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm; đặc biệt hiện nay tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi sâu sắc, một số vấn đề nằm ngoài dự báo.
Hơn thế, tình hình xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp biên giới, chủ quyền biển đảo, bạo loạn xảy ra ở nhiều khu vực. Các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống như nguồn nước, lương thực, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh... tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội; vì vậy cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho họ.
"Phát sinh" không nhiều
Bộ Công an nhận định, nếu có thêm các đối tượng cảnh vệ như đã nêu, nhà nước sẽ phát sinh thêm chi phí, bổ sung lực lượng, phương tiện để triển khai công tác bảo vệ.
Dù vậy, sự bổ sung này là không nhiều vì chỉ cần áp dụng đối với Viện trưởng VKSND tối cao; còn Chánh án TAND tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (3 sĩ quan mang cấp hàm đại tướng) đang là Ủy viên Bộ Chính trị, đã được triển khai các biện pháp cảnh vệ.
Hiện nay, luật Cảnh vệ 2017 quy định đối tượng cảnh vệ là con người tại Việt Nam, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội và Phó thủ tướng Chính phủ.
Tùy theo đối tượng cảnh vệ, các biện pháp cảnh vệ sẽ được áp dụng bao gồm: bảo vệ tiếp cận; tuần tra, canh gác thường xuyên tại nơi làm việc và nơi ở; kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; khi đi công tác bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường…
Cân nhắc xác định theo chức danh thay vì cấp hàm
Đầu tháng 12.2022, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cảnh vệ năm 2017.
Phiên thẩm định có sự tham gia của đại diện Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo và đại diện các bộ, ngành, tổ chức có liên quan.
Cho ý kiến về việc đề xuất bổ sung thêm đối tượng cảnh vệ, đại diện VKSND tối cao nhận định chánh án TAND tối cao và viện trưởng VKSND tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và kiểm sát hoạt động tố tụng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao. Việc bổ sung hai chức danh này vào đối tượng cảnh vệ là hết sức cần thiết.
Trong khi đó, đại diện Bộ Nội vụ đề xuất ban soạn thảo nêu rõ các cơ sở chính trị, pháp lý để xác định cấp hàm được bảo vệ, cân nhắc xác định đối tượng cảnh vệ theo chức danh thay cho cấp hàm; đồng thời cần đánh giá nguồn lực, quy trình thực hiện khi tổ chức bộ máy lực lượng cảnh vệ ở địa phương.
Bình luận (0)