Đề xuất đẩy mạnh thí điểm thi tuyển, thuê tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/12/2021 17:26 GMT+7

Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Thành Phong cho biết, đề xuất này được các đại biểu nêu ra tại hội thảo về thực trạng, giải pháp xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngang tầm nhiệm vụ, sáng 4.12.

Chưa khơi nguồn cho đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, Ban Kinh tế T.Ư cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hội thảo nhằm chuẩn bị cơ sở khoa học, thực tiễn để xây dựng Đề án “Quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, phát biểu tại hội thảo

gia hân

Theo ông Phong, qua các ý kiến thảo luận cho thấy công tác cán bộ trong DNNN còn một số vấn đề đặt ra.

Chẳng hạn, hiện chưa có quy định riêng đối với công tác cán bộ tại DNNN; việc thực hiện vẫn còn thiếu đồng bộ giữa văn bản pháp luật của Nhà nước với các quy chế, quy định của Đảng (như về quy trình quy hoạch, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước; nguyên tắc lấy quy hoạch cấp ủy làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý...).

Ngoài ra, trong các cơ chế, chính sách của nhà nước còn chưa thực sự đầy đủ, chưa cụ thể và bao quát hết các trường hợp cần quy định liên quan tới công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các DNNN.

Về công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, hiện vẫn chưa có quy định về tuyển dụng theo hình thức thi tuyển hay thuê nhân sự chủ chốt. Bên cạnh đó, việc mặc định vị trí chủ chốt phải là đảng viên khiến nguồn cán bộ hạn chế, thiếu linh hoạt.

Cũng theo ông Phong, một số vướng mắc trong quy định về quy hoạch cán bộ, đặc biệt là quy định về quy hoạch tương đương đối với cán bộ đến từ các cơ quan, ban, ngành khác nhau. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ còn chưa phù hợp khi bố trí công chức quản lý nhà nước chuyển sang quản lý DNNN…

Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn một số tồn tại; tài liệu, khung chương trình chưa được quan tâm để chuẩn hóa. Cùng với đó là công tác đánh giá cán bộ còn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể.

“Các quy định hiện hành chưa thực sự khơi nguồn cho đổi mới sáng tạo và dám nghĩ, dám làm vì còn có những ràng buộc trách nhiệm đối với từng việc cụ thể mặc dù vẫn đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Phong nêu.

Đẩy mạnh thí điểm thi tuyển, thuê tổng giám đốc

Theo ông Nguyễn Thành Phong, tại hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều kiến nghị, giải pháp triển khai hiệu quả công tác cán bộ trong DNNN trong thời gian tới.

Hội thảo được Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức

gia hân

Cụ thể là nghiên cứu, đánh giá quan điểm “không bố trí, phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nếu không phải là cấp ủy viên cấp trên hoặc cùng cấp” trong quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư ngày 13.2.2017. Đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến việc tháo gỡ cơ chế trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự có chất lượng cao vào vị trí chủ chốt của doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị nâng cao vai trò của cấp ủy đối với công tác cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó là đẩy mạnh thí điểm cơ chế trong công tác tuyển dụng như tuyển dụng, bổ nhiệm thông qua thi tuyển công khai; cơ chế thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên hội đồng quản trị, tuyển cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước kèm theo phương án kinh doanh

Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị đổi mới trong công tác quy hoạch cán bộ, cần hướng tới những tiêu chí rõ ràng, minh bạch, khắc phục tính hình thức, dễ dãi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.