Ông Nguyễn Đình Cung: Nên bỏ việc quy hoạch cán bộ chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/12/2021 14:55 GMT+7

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung dẫn ví dụ trên để đề nghị bỏ việc quy hoạch cán bộ chủ chốt trong DNNN, thay bằng chương trình tìm kiếm người tài như các công ty đa quốc gia.

Mỗi lúc hành động lại cảm thấy sự rủi ro

Sáng 4.12, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hội thảo về thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngang tầm nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, phát biểu tại hội thảo

gia hân

Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cho rằng các đánh giá về đội ngũ lãnh đạo DNNN trong các tham luận tại hội thảo chủ yếu theo cách truyền thống, chung chung, thiếu định lượng, một số nhận định còn “quá nặng”.

Cũng theo ông Cung, nhiều đánh giá theo kiểu đổ lỗi cho DNNN, còn cơ quan khác vô can trong khi việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay theo cơ chế hành chính xin - cho, rất nhiều cơ quan có ý kiến, kiểm tra.

“Khi xảy ra vi phạm, hậu quả thì các cơ quan tham gia chấp thuận bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm đầu tiên chứ không phải quản lý doanh nghiệp”, ông Cung nêu.

Bên cạnh đó, ông Cung cũng cho rằng, lâu nay khi xem xét các sai phạm, vụ án vẫn chưa tách bạch giữa pháp nhân và cá nhân, đặc biệt là trong tài sản. Ông nêu quan điểm, tài sản cá nhân có thể sử dụng vật chứng nhưng tài sản pháp nhân không thể đưa ra làm vật chứng. Tuy nhiên, vừa qua, việc nhập nhằng này đã dẫn đến tình trạng có những nhà máy hàng chục ngàn tỉ được sử dụng làm vật chứng để đấy, dầm mưa dãi nắng nhiều năm, gây tốn kém, lãng phí.

Ông Cung đề nghị, trong đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý DNNN cần có cách nhìn chia sẻ, thấu hiểu.

“Tôi có dịp gặp nhiều anh em quản lý DNNN. Họ cũng mong muốn đóng góp, hành động nhưng mỗi lúc hành động người ta lại cảm nhận thấy sự rủi ro. Cho nên, sự lựa chọn tốt nhất là không hành động, là làm sao đảm bảo an toàn cho cá nhân nhiều nhất. Và để an toàn cho cá nhân mình nhiều nhất thì một việc xin ý kiến nhiều người”, ông Cung kể và cho rằng, với tâm thế này thì không thể kinh doanh được, càng không thể có đổi mới, sáng tạo.

“Chính thứ này gây mất mát, chậm trễ, thiếu năng động của hệ thống DNNN hiện nay”, ông Cung nói.

Tìm trong thiên hạ sẽ tốt hơn là tìm trong chúng ta

Nguyên Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, một số kiến nghị được các tham luận đưa ra tại hội thảo là mâu thuẫn, chẳng hạn như việc vừa phải nâng cao vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo trực tiếp, toàn diện DNNN, vừa yêu cầu hội đồng quản trị hoạt động theo thông lệ, nguyên tắc quốc tế.

Ông Cung cho rằng, cả quy định của pháp luật lẫn quy định của Đảng không yêu cầu cấp ủy đảng phải là thành viên của hội đồng quản trị DNNN. Trong khi đó, các nghị quyết của Đảng nhấn mạnh việc xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, theo thông lệ quốc tế, phù hợp định hướng xã hội chủ nghĩa, điều kiện Việt Nam.

“Cần phải thực sự có thay đổi nhận thức chung theo như Nghị quyết chủ trương của Đảng. Tôi không đánh giá thấp vai trò của Đảng, nhưng chúng ta phải thay đổi chức năng, thay đổi cách thức lãnh đạo, đổi mới cách thức lãnh đạo của Đảng, nếu không DNNN khó lòng phát triển trong nền kinh tế thị trường hội nhập và hiện đại”, ông Cung lưu ý và nhìn nhận, trong cơ cấu, khung khổ quản trị doanh nghiệp theo nguyên tắc, thông lệ quốc tế đã có những cơ chế kiểm soát, cân bằng quyền lực mà không cần lập thêm những cơ chế khác ngoài nó.

Từ những phân tích của mình, ông Cung cũng đề nghị cần phải nghiên cứu học hỏi bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo như thế nào.

"DN tư nhân họ không có quy hoạch cán bộ nhưng cán bộ chuyên môn tốt hơn, doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn, có mức lương cạnh tranh cao. Cái đó rất cần học hỏi họ"

Ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM

Từ đó, ông Cung đề nghị xem xét bỏ quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong DNNN hiện nay, thay vào đó là thiết kế chương trình, kế hoạch tìm kiếm những người tài năng, "săn đầu người" như các tập đoàn, công ty đa quốc gia.

Quy hoạch cán bộ là chọn người thay thế trong tương lai sẽ không chọn được người tài, không chọn được những người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro người giỏi mà chỉ chọn được những người tuân thủ. Nếu lựa chọn như vậy thì mất đi cơ hội lựa chọn những người có tài trong toàn xã hội, lãng phí nguồn lực.

“Chúng ta cần những gì thì đi tìm trong thiên hạ sẽ tốt hơn là tìm trong chúng ta. Tôi không phủ nhận chúng ta tìm trong chúng ta nhưng chúng ta còn nhiều cơ hội thì đừng bỏ cơ hội tìm người tài về làm việc cho chúng ta”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích và đề nghị cần sớm thay đổi để chọn được nhiều người tài năng hơn.

Giao quyền tự chủ bổ nhiệm, miễn nhiệm

Hội thảo do Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Thành Phong chủ trì theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

gia hân

Nguyên Viện trưởng CIEM cũng đề nghị bỏ việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng cán bộ theo kiểu tiền kiểm, xin cho mà trao quyền tự chủ cho cơ quan chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), thực hiện hậu kiểm kèm theo.

Cơ bản quản lý thống nhất ban hành văn bản theo tiêu chuẩn, tiêu chí, và cơ quan chủ sở hữu bổ nhiệm theo tiêu chí chứ không đi xin cho và có thể hậu kiểm xem đúng tiêu chí hay chưa. Người bổ nhiệm theo tiêu chuẩn, tiêu chí không nghiễm nhiên ngồi ở đó trong nhiệm kỳ tiếp theo, nếu không đạt được mục tiêu thì miễn nhiệm.

Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh cần thực sự có thay đổi mang tính bước ngoặt như sự chuyển đổi vào năm 1986 hay năm 1992, dứt khoát chuyển đổi sang cơ chế thị trường mà lần này là trong công tác cán bộ, quản trị DNNN.

“Với hơn 100 tỉ tài sản của DNNN hiện nay, nâng cao hiệu quả thì chắc chắn tăng thêm 2 - 3 điểm phần trăm tăng trưởng về kinh tế và làm DNNN cũng không phải bị phê phán, chê trách, DNNN có hình ảnh đẹp trên thương trường”, ông Cung nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.