Đề xuất dùng tiền ủng hộ chống dịch hỗ trợ nông dân gặp khó khăn

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/07/2020 11:03 GMT+7

Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ cho phép được sử dụng một phần tiền ủng hộ để hỗ trợ cho một số đối tượng gặp khó khăn trong cuộc sống do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sáng 3.7, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 2 (khóa 9) sơ kết công tác mặt trận 6 tháng đầu năm 2020 và thảo luận chuyên đề "MTTQ Việt Nam vận động toàn dân tích cực tham gia phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Hơn 1.000 tỉ tiền ủng hộ chưa phân bổ

Báo cáo về kết quả tham gia phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, từ 16.3, đơn vị này đã tổ chức lễ phát động toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Tính đến 31.5, T.Ư MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận số tiền ủng hộ gần 945 tỉ đồng. Trong đó, tiền mặt hơn 820 tỉ đồng, hiện vật quy ra tiền trị giá gần 125 tỉ đồng.
Kết quả phân bổ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, trong hơn 539 tỉ đồng đã phân bổ 250 tỉ đồng chuyển đến Bộ Y tế; 255 tỉ đồng do các đơn vị đăng ký qua MTTQ chuyển trực tiếp đến đơn vị cung ứng theo đề nghị của Bộ Y tế; hơn 20 tỉ đồng ủng hộ chuyển thẳng về tài khoản của Bộ Y tế và hơn 14 tỉ đồng chuyển đến các bệnh viện, cơ sở y tế theo đề nghị của đơn vị ủng hộ.
Hiện vật quy ra tiền gồm gần 125 tỉ, đến nay đã phân bổ hết số hiện vật đến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, các khu cách ly tại Hà Nội…
Số tiền còn lại chưa phân bổ là hơn 280 tỉ đồng (trong đó số tiền còn tại Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam là hơn 262 tỉ đồng; số tiền nhắn tin qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia hiện chưa chuyển về Ủy ban MTTQ Việt Nam là hơn 18 tỉ đồng).
Ở địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hơn 1.000 tỉ. Trong đó, tiền mặt hơn 800 tỉ đồng và hiện vật quy ra tiền mặt hơn 225 tỉ đồng.
Hiện các tỉnh, thành phố đang xin ý kiến của UBND để phân bổ số tiền ủng hộ bằng tiền mặt nói trên, tuy nhiên, giữa các địa phương chưa có sự thống nhất về nguyên tắc, đối tượng, nội dung, định mức hỗ trợ. 

Giải ngân tiền ủng hộ còn chậm, chưa kịp thời

Dù khẳng định công tác vận động, tiếp nhận và phân bổ nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch đã được thực hiện chặt chẽ, kịp thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam nhận định công tác giải ngân của các đơn vị tiếp nhận kinh phí từ Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chuyển đến còn chậm, chưa kịp thời; việc phân bổ, sử dụng tiền, hàng gặp khó khăn, vướng mắc.
Ủy ban MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai việc quản lý, phân phối, quyết toán trang thiết bị, kinh phí từ nguồn ủng hộ, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, người dân thông qua Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, MTTQ các cấp theo trình tự, thủ tục rút gọn; đơn vị tiếp nhận kinh phí hỗ trợ chịu trách nhiệm công khai, minh bạch việc mua bán, đảm bảo chất lượng, đơn giá sản phẩm…
Đặc biệt, MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ cho phép được sử dụng một phần kinh phí mà đơn vị này tiếp nhận được để hỗ trợ một số đối tượng gặp khó khăn trong cuộc sống do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà không thuộc các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Chính phủ.
Các đối tượng được MTTQ Việt Nam đề xuất gồm: người nông dân không tiêu thụ được sản phẩn; người lao động làm việc tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân đăng ký kinh doanh; các cơ sở giáo dục ngoài công lập; các đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động…

Nhiều người đã chết, bị tù vẫn được đưa vào danh sách nhận hỗ trợ

Báo cáo về công tác giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, việc xác định các đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh và hỗ trợ người sử dụng lao động; việc xác định ngành nghề... khó khăn về cơ sở để kiểm tra và xác minh, chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động và người sử dụng lao động cung cấp.
Bên cạnh đó, trong hướng dẫn của T.Ư chưa rõ về: độ tuổi của người lao động được hỗ trợ; hoặc một số trường hợp không thuộc diện được hưởng hỗ trợ nhưng thực tế lại có khó khăn.
"Đặc biệt, gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% trả lương người lao động hầu như dậm chân tại chỗ", ông Lềnh nói.
Về sai phạm, ông Lềnh cho biết, có những đối tượng không đủ điều kiện vẫn đưa vào trong danh sách (từ trần trước ngày 1.4.2020, đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam); cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác; hưởng hỗ trợ theo diện đối tượng khác đã chuyển đi, đi xuất khẩu lao động, cắt khẩu, đi lấy chồng; trùng danh sách đối tượng…
"Những phát hiện này đều được các cấp MTTQ phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo, giải quyết", ông Lềnh khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.