“Tuổi này bắt múa hát chắc chết”
Như Thanh Niên đã thông tin, tại cuộc hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 22.11, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), ho rằng hiện nay quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên (GV) mầm non là 60 tuổi là không phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non. Do đó, Bộ GD-ĐT phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất cho phép giữ tuổi nghỉ hưu với GV mầm non là 55 tuổi.
GV mầm non đến 60 tuổi mới được nghỉ hưu sẽ không đủ sức múa hát, hoạt động với trẻ được nữa |
B.T |
Hầu hết các ý kiến bạn đọc đều đề nghị GV các cấp học khác, trừ đại học, cũng cần được nghỉ hưu từ 55 tuổi, thậm chí nhiều ý kiến đề nghị GV mầm non nghỉ ở tuổi 50.
Bạn đọc có tên Thanh Thuy Bui Thi viết: “Nữ GV tiểu học cũng giữ nguyên độ tuổi về hưu là 55 tuổi. Thật sự mới 45 tuổi đã giãn tĩnh mạch, viêm thanh quản, viêm họng hạt,... đủ bệnh nghề nghiệp rồi”.
Bạn đọc Đăng Trần Minh còn đề nghị GV dạy môn thể dục cũng nên nghỉ hưu ở tuổi 55 do đặc thù yêu cầu về thể lực của môn học này.
Bạn đọc có tên Doãn Vân phân tích rất hợp tình hợp lý: “60 tuổi mới về hưu sẽ nhớ nhớ quên quên, thế hệ học sinh càng về sau có nhiều hoạt động, năng động, GV sau tuổi 55 sẽ không theo kịp. Cũng chẳng học sinh nào muốn học thầy cô già nua, nói thì thều thào và leo cầu thang đến phòng học thở hổn hển bở hơi tai...
Nên để tất cả GV về hưu tuổi 55 hoặc để GV tự nguyện tiếp tục giảng dạy nếu họ đủ sức và nhiệt huyết, cũng là nhường cơ hội cho lớp trẻ. GV già có kinh nghiệm nhưng không còn sức dạy, nhiệt huyết giảm thì chất lượng giảng dạy sẽ hạn chế”.
Bạn đọc Thanh Hải Ngô cũng cho rằng: “Trừ giảng viên đại học, các trường chuyên nghiệp chứ GV từ mầm non tới THPT đều rất khó làm việc ở tuổi 60 hơn 60. Tuổi đó ai còn khả năng đứng lớp tuần 17 tiết nữa?”
Rất nhiều ý kiến đồng tình với việc cho GV mầm non nghỉ hưu sớm hơn xuất phát từ tâm lý thích các cô giáo trẻ trung của trẻ. Bạn đọc Phương Trần Thị bình luận: “GV tiểu học và mầm non cho nghỉ hưu sớm hơn, chớ các cháu nó nhìn bà cô già là nó hết muốn đi học”.
Ban đọc Hien Nguyen than: “Tuổi này bắt múa hát chắc chết…” Nick name Hang Chuot thì viết: “60 tuổi đi dạy mầm non.... các bé kêu bà ngoại ơi bà ngoại. Thương các cô mầm non vì công việc rất vất vả”.
Một bạn đọc khác cũng bình luận: "GV mầm non 55 tuổi thì học trò phải kêu bằng... bà rồi. Con học mầm non thì bố mẹ mới trên dưới 30 tuổi nên con gọi cô giáo bằng bà là phải. Ở tuổi này nên cho GV mầm non nghỉ hưu, vì ngành nghề này là đặc thù".
Không chỉ vì quyền lợi của GV mà còn của trẻ em
Bà Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bà Triệu (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng chia sẻ với PV Thanh Niên: “Đề xuất giữ tuổi nghỉ hưu với GV mầm non là 55 tuổi rất phù hợp với đặc thù của công việc, cũng là mong muốn của GV trường tôi. Nếu kéo dài đến 60 tuổi thì phần lớn các cô không còn hát múa, chơi trò chơi mà trẻ yêu thích nữa. Do vậy, giữ nguyên tuổi nghỉ hưu không phải chỉ vì quyền lợi của GV mà còn vì chính trẻ em”…
Trước đó, năm 2020, khi góp ý cho Nghị định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu do Tổng liên đoàn Lao động ngành giáo dục Việt Nam tổ chức, lãnh đạo Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam, đề nghị cho GV mầm non được về hưu ở tuổi 55 vì qua khảo sát của công đoàn ngành, trong số 10.698 ý kiến gửi về có tới 96% đề nghị cho GV mầm non được về hưu ở tuổi 55.
Vị lãnh đạo này cho rằng: "Hiện tại định mức quy định và thời gian làm việc thực tế của GV mầm non quá nhiều so với các ngành nghề khác (10 giờ/ngày). Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe của GV mầm non giảm sút rất nhanh. Vì vậy, 55 tuổi trở đi, họ sẽ không đủ sức khỏe để đảm bảo các thao tác chuyên môn như: múa, hát, hướng dẫn các hoạt động thể lực, chạy, nhảy... nguy cơ mất an toàn là điều có thể xảy ra".
Bình luận (0)