Đề xuất khôi phục lễ tế Nam Giao vương triều Hồ

22/08/2023 16:56 GMT+7

Các nhà nghiên cứu và chuyên gia đầu ngành về khoa học lịch sử, khảo cổ học và di sản đều thống nhất đề xuất khôi phục lễ tế Nam Giao dưới thời nhà Hồ.

Ngày 22.8, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (H.Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã tổ chức hội thảo "Lễ tế Nam Giao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và lễ tế Nam Giao vương triều Hồ".

Cần khôi phục lễ tế Nam Giao vương triều Hồ - Ảnh 1.

Đàn tế Nam Giao thời nhà Hồ

MINH HẢI

Hội thảo nhằm mục đích đánh giá, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm về việc có nên hoặc đã đủ cơ sở để quyết định khôi phục lại lễ tế Nam Giao vương triều Hồ hay không.

Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, qua các lần khai quật từ năm 2004 đến nay đã nhận diện được cơ bản đặc trưng của di tích đàn tế Nam Giao ở Thành nhà Hồ.

Đàn tế Nam Giao có kiến trúc lưng dựa núi, mặt nhìn về hướng Nam, các nền đàn được sắp xếp giật cấp cao dần lên. Tính từ chân Đốn Sơn, đàn tế được xây dựng trên 5 cấp nền, được cấu trúc theo hình dạng chữ nhật, quay hướng Nam.

Đàn tế Nam Giao được đánh giá là đàn tế có niên đại sớm nhất ở nước ta và có mặt bằng tương đối nguyên vẹn, được các nhà khoa học đánh giá rất cao về mặt lịch sử.

Cần khôi phục lễ tế Nam Giao vương triều Hồ - Ảnh 2.

Khai quật đàn tế Nam Giao

MINH HẢI

Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại thì tại không gian đàn tế Nam Giao, năm 1402 đã diễn ra lễ tế đầu tiên của triều Hồ. Đây được xem là nghi lễ quan trọng nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam.

Do đó, hiện nay việc nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn lễ tế Nam Giao cần được quan tâm, ưu tiên. Việc phục dựng lễ tế đàn Nam Giao vương triều Hồ có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích, làm sống lại linh hồn di tích trong lòng nhân dân. Mặt khác, việc phục dựng lễ tế phù hợp với định hướng và chủ trương phát triển của T.Ư và địa phương, đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế trọng điểm, di sản Thành nhà Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn của Thanh Hoá nói riêng và cả nước nói chung.

Tham gia ý kiến tại buổi hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng từ nguồn tư liệu và thông tin đã có được, bước đầu có thể hình dung quá trình hình thành và biến đổi của di tích đàn tế Nam Giao thời Lý - Trần - Lê trên đất Thăng Long - Đông Kinh. Và đó sẽ là cơ sở quan trọng để đối chiếu, hiểu rõ hơn về quy mô, cấu trúc của đàn Nam Giao ở Đốn Sơn do Hồ Hán Thương cho đắp vào tháng 8 năm Nhâm Ngọ (1402).

Cần khôi phục lễ tế Nam Giao vương triều Hồ - Ảnh 3.

Hội thảo Lễ tế Nam Giao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và lễ tế Nam Giao vương triều Hồ

PHÚC NGƯ

Còn theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam: "Bước đầu có thể suy đoán việc thờ cúng chính thần ở Nam Giao Thành nhà Hồ tương tự như Nam Giao ở Huế. Còn 2 tổ hợp kiến trúc ở nền là nơi thờ cúng các vị thần khác có liên quan trong lễ tế Nam Giao ở Thành nhà Hồ thì chưa thể suy đoán được. Ở đây chỉ là sự soi mở, suy luận bước đầu nhằm tiếp cận việc nghiên cứu so sánh để xác định các giá trị văn hóa phi vật thể ở Nam Giao Thành nhà Hồ".

Kết luận buổi hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết các nhà nghiên cứu, chuyên gia tham gia buổi hội thảo đều thống nhất và cho rằng cần thiết phải khôi phục lễ tế Nam Giao thời nhà Hồ.

"Không ai có ý kiến phủ nhận cả, đều đồng tình rất cao sự cần thiết để nghiên cứu, phục hồi lễ tế Nam Giao. Tế Nam Giáo là một lễ hội thì phải có nghi lễ, lễ nhạc, lễ phục, tế phẩm… Bây giờ bảo hoàn chỉnh ngay thì khó, nhất là trong phi vật thể, rất khó xác định được yếu tố nguyên gốc ban đầu, bởi các lớp văn hóa chồng xếp lên nhau, mỗi một thế hệ về sau xuất phát từ nhiệm vụ chính trị người ta lại lồng vào đấy những lớp văn hóa. Chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào kinh nghiệm của các địa phương đã tổ chức để tạo nên lễ tế không thoát ly khỏi truyền thống, nhưng cũng có cái mới của đời sống hiện nay", PGS.TS Đặng Văn Bài cho hay.

Được biết, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã xây dựng đề án nhằm khôi phục lại lễ tế Nam Giao. Hội thảo này nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, nhằm có cơ sở khoa học để các cơ quan chức năng đưa ra quyết định chính xác nhất về việc có khôi phục lễ tế Nam Giao hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.