Đề xuất miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng để khuyến khích tố cáo tiêu cực

20/02/2023 12:29 GMT+7

Cử tri đề nghị nghiên cứu cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng để khuyến khích họ tố cáo, tố giác tiêu cực.

Cử tri cho rằng hành vi tham nhũng vặt thường diễn ra trong mối quan hệ khép kín giữa chủ thể tham nhũng và chủ thể tiếp tay tham nhũng; rất khó phát hiện nếu không có tố giác từ những người tham gia. Một số trường hợp chủ thể tiếp tay tham nhũng chủ động đề nghị tham nhũng (hối lộ để bỏ qua sai phạm) nên càng khó xảy ra việc tố cáo.

Vì vậy, cùng với việc chủ động phát hiện, cải cách chế độ tiền lương hoặc tăng chế tài hình sự để ngăn chặn tham nhũng vặt, cử tri cho rằng có thể nghiên cứu giải pháp của một quốc gia rồi áp dụng vào Việt Nam. Ví dụ, tạo cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng, cho phép khắc phục hậu quả sai phạm… để thúc đẩy họ tố cáo, tố giác.

Đề xuất nghiên cứu miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng - Ảnh 1.

Năm 2023, Thanh tra Chính phủ sẽ chỉ đạo toàn ngành tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (ảnh minh họa)

TUYẾN PHAN

Vẫn còn cán bộ sách nhiễu, gây khó cho người dân

Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt.

Tuy nhiên, tình trạng cán bộ lợi dụng vị trí công tác hoặc lợi dụng kẽ hở pháp luật để sách nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết công việc vẫn diễn ra. Việc này gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trước thực tiễn trên, sau khi Quốc hội thông qua luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành luật.

Đặc biệt, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 10/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và Công điện số 724/2019 về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Riêng với ngành thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Chỉ thị số 769/2019 về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành; đồng thời sơ kết 1 năm việc thực hiện Chỉ thị số 10/2019 của Thủ tướng. Kết quả cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đều đánh giá chỉ thị góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng vặt.

Do đó, với kiến nghị của cử tri, Thanh tra Chính phủ cho hay sẽ ghi nhận, tiếp thu. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng, Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu tổ chức đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 10/2019 của Thủ tướng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý; tăng cường biện pháp và chế tài nhằm bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật này.

Đề xuất nghiên cứu miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng - Ảnh 2.

Tình trạng cán bộ lợi dụng vị trí công tác hoặc lợi dụng kẽ hở pháp luật để sách nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết công việc vẫn diễn ra (ảnh minh họa)

TUYẾN PHAN

Tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng

Theo cử tri, dù nhiều vụ án đã bị điều tra, truy tố và xét xử nhưng tham nhũng vẫn còn, nhất là hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống Covid-19. Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có vi phạm.

Thanh tra Chính phủ cho hay, trong năm 2022, cơ quan này và thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực quan trọng hoặc dư luận xã hội quan tâm.

Điển hình là việc hoàn thành chuyên đề thanh tra diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19; hay như việc bổ sung thanh tra công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, điều hành và ban hành chính sách, pháp luật. Việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ, công tác đôn đốc và kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra chuyển biến tích cực.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, Thanh tra Chính phủ sẽ chỉ đạo toàn ngành tăng cường thanh tra đối với công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Cùng đó là tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng mà có…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.