Muốn kích cầu tiêu dùng phải tăng thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán của dân cư. Tăng thu nhập có 2 cách là tăng lương hoặc giảm thuế. Doanh nghiệp (DN) cũng phải tiết giảm chi phí để hạ giá thành, giá bán, tạo ra các chương trình mua hàng trả góp, tích điểm, khuyến mãi... để kích thích sức mua. Một việc quan trọng để kích cầu hiệu quả là hướng tiêu dùng vào hàng hóa trong nước để giảm nhập siêu. Thông thường khi kích cầu tiêu dùng, nhà nước thực hiện giảm thuế VAT, vì đây là loại thuế mà người mua phải nộp (DN chỉ nộp thay).
Vậy mà khi giải pháp kích cầu cụ thể chưa thấy đâu thì Bộ Tài chính lại đưa ra một đề xuất ngược lại hoàn toàn, đó là tăng thuế VAT. Xin được nhắc lại rằng nếu tăng thuế VAT thì giá hầu hết các dịch vụ, sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống như giá điện, giá nước, giá thực phẩm... đều tăng. Không thể lập luận rằng tăng từ 10 - 12% là không nhiều bởi nhiều hay ít là phải tính tới tác động của chính sách thuế này tới đời sống đại bộ phận người dân. Tăng thuế VAT sẽ khiến những người nghèo, người có thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn. Bởi cùng một mặt hàng, người thu nhập cao hay thấp đều đóng chung mức thuế VAT như nhau. Tôi thu nhập 100 triệu đồng/tháng cũng đóng 10% VAT và anh thu nhập 10 triệu đồng/tháng cũng đóng 10% VAT. Như vậy, tỷ trọng nộp thuế trong thu nhập của người 10 triệu cao hơn nhiều so với người có thu nhập 100 triệu đồng/tháng. Và tăng thuế thì việc đầu tiên của đại bộ phận người tiêu dùng là thắt lưng buộc bụng, khó thể tạo ra kích cầu hộ gia đình.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị tăng khung thuế môi trường với một số mặt hàng xăng dầu tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung luật Thuế bảo vệ môi trường, từ mức hiện tại là 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 đồng - 8.000 đồng/lít. Dư luận đã không đồng tình với đề nghị này.
Quan trọng hơn, các đề xuất tăng thuế có vẻ như đang đi ngược với chủ trương kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí cho DN của Chính phủ để tăng tốc, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra từ đầu năm.
Bình luận (0)