Đề xuất Nhà Quốc hội thành điểm đến du lịch

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/01/2019 07:00 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng với Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) và cụm công trình nghệ thuật đương đại, Nhà Quốc hội nên trở thành điểm đến du lịch. Điều đó sẽ kết nối người dân với di sản.

Siêu đường hầm, siêu bảo tàng

Bà Nguyễn Thu Thảo, nhân viên Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), từng trải nghiệm 60 quốc gia, các tòa nhà Quốc hội cũng như các công trình nghệ thuật ở đó. Tuy nhiên, bà vẫn ngạc nhiên trước cụm công trình nghệ thuật đương đại ở 2 tầng hầm Nhà Quốc hội VN. “Tuyệt vời và tự hào! Lần đầu tiên chúng ta thấy một cụm tác phẩm nghệ thuật đương đại VN được thiết kế hết sức hài hòa với một tòa nhà là đại diện của quyền lực, của người dân. Các nghệ sĩ có một cách nhìn về di sản qua những phương thức thể hiện đương đại hết sức độc đáo, kể lại câu chuyện của người Việt, quá trình lập nước và phát triển một cách tự nhiên, hấp dẫn người xem”, bà Thảo cho biết.
Cũng theo bà Thảo: “Tôi chưa bao giờ thấy nơi đỗ xe ô tô, hay đường hầm ra vào gara ô tô, xe máy lại được trưng bày nghệ thuật đẹp đến thế. Nếu đây là một cụm tác phẩm nghệ thuật đặt ở gara ô tô thì gara này sẽ là đẹp nhất và đắt nhất”.
Trong khi đó, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), đã ngay lập tức đưa việc khánh thành công trình này vào nhóm sự kiện nổi bật của năm. “Mỹ thuật đương đại đang muốn tiến đến gần với công chúng hơn. Việc Nhà Quốc hội, cơ quan lập pháp cao nhất lại có không gian nghệ thuật đương đại cho thấy ngay cả Quốc hội cũng muốn có không gian đó. Đây đã là động thái rất có ý nghĩa với mỹ thuật rồi, một bước tiến về nhìn nhận vai trò của mỹ thuật với xã hội. Về nội dung nghệ thuật, nghệ sĩ đã đưa giải pháp mới của nghệ thuật đương đại vào cơ quan quyền lực, tạo được hiệu quả thẩm mỹ tốt, gắn văn hóa lịch sử truyền thống và hiện đại”, ông Thành nói.
Đáng nói hơn cả, cụm tác phẩm này được xây dựng trong ý tưởng gắn kết với Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long cũng trong tầng hầm Nhà Quốc hội. Với các hiện vật dựng lại quá trình lịch sử của nhiều triều đại tại di sản thế giới này, bảo tàng như một niềm tự hào dân tộc. PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, còn kỳ vọng bảo tàng này sẽ trở thành “điểm nhấn quan trọng trong việc tiếp đón và quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc VN đến các đoàn nguyên thủ quốc gia, nhân dân và du khách quốc tế trong thời gian tới”.

Đó là tài sản của toàn dân, không phải là câu chuyện truyền thống riêng của Quốc hội. Đã là bảo tàng thì nên mở cửa cho công chúng

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN

Mong đợi mở cửa

Bà Nguyễn Thu Thảo cho biết từng nghe nói đến việc có một bảo tàng ở dưới tầng hầm, nhưng chưa bao giờ được dịp vào xem. “Lần đi thăm cụm tác phẩm nghệ thuật đương đại tôi mới biết còn có Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long. Và hai không gian nghệ thuật này đặt cạnh nhau, bổ sung cho nhau. Chắc hẳn cũng giống nhiều người quan tâm đến văn hóa - lịch sử, tôi rất mong có cơ hội được tham quan bảo tàng này. Khi nào bảo tàng mở cửa cho công chúng, tôi tin ban lãnh đạo của bảo tàng sẽ tính đến những hình thức sinh động để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về Hoàng thành Thăng Long, trong đó có thể có tour văn hóa - lịch sử đến bảo tàng”, bà chia sẻ.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, rất hoan nghênh ý tưởng này. “Bộ phận di tích di vật trưng bày dưới hầm Nhà Quốc hội là một bộ phận trong cấm thành của Hoàng thành Thăng Long xưa. Theo Công ước quốc tế, luật Di sản văn hóa VN, đó là một bộ phận bất di bất dịch không thể tách khỏi Hoàng thành Thăng Long. Cũng theo công ước và luật, mọi di sản văn hóa đều là của nhân dân, phục vụ nhân dân, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Do đó, bộ phận trưng bày trong đó đã thực hiện các chỉ đạo các cấp có thẩm quyền đã trưng bày xong thì rất nên phục vụ mọi tầng lớp nhân dân”, ông nói.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, cho biết khi thực hiện công trình dưới hầm Nhà Quốc hội, dự án cũng nói đến việc đưa trưng bày đó kết nối với khu 18 Hoàng Diệu, đưa công chúng vào tham quan, đồng thời đưa luôn vào khu trưng bày. “Chắc chắn là nên mở cho người dân vào xem. Bây giờ mở luôn được rồi. Người dân có quyền tiếp cận và hưởng thụ di sản văn hóa. Thứ nữa, đó là tài sản của toàn dân, không phải là câu chuyện truyền thống riêng của Quốc hội. Nên mở càng sớm càng tốt. Đã là bảo tàng thì nên mở cửa cho công chúng”, ông Bài nói.
Tạo thành tour du lịch hấp dẫn
Một chuyên gia văn hóa của UNESCO cho biết, hoàn toàn có thể kết nối Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long với cụm tác phẩm đương đại để tạo thành tour du lịch văn hóa lịch sử hấp dẫn. “Nó vừa đem di sản tới gần người dân, vừa lấp được khoảng trống tour lịch sử văn hóa ở Hà Nội. Các tour có thể được tổ chức định kỳ theo cách đăng ký tham quan từ trước. Ở các nước, việc vào thăm các tòa nhà quan trọng như nghị viện cũng vẫn được thực hiện”, vị chuyên gia nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.