Giao quyền chủ động tuyển dụng cho ngành giáo dục
Nêu cách thức thực hiện việc giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo được đưa ra trong dự thảo luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH sẽ là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Hai cơ quan này cũng chủ trì ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi, xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo. Dự thảo luật quy định việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, quy định về tuyển dụng nhà giáo trong dự thảo luật đặt ra một số yêu cầu nhằm đáp ứng đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo khác với viên chức các ngành, lĩnh vực khác (nhà giáo công lập), khác với người lao động thuần túy (nhà giáo ngoài công lập).
Trong đó, một nội dung điều chỉnh quan trọng trong tuyển dụng nhà giáo là: phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm. Theo Bộ GD-ĐT, yêu cầu tuyển dụng nhà giáo phải có thực hành sư phạm sẽ giúp gia tăng chất lượng chuyên môn của người được tuyển dụng làm nhà giáo, lựa chọn được đúng người vào nghề.
Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo; tuyển dụng đặc cách nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài.
Nhà giáo công lập là viên chức đặc biệt
Luật Nhà giáo áp dụng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. "Lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động", Bộ GD-ĐT nêu.
Cũng theo dự luật, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt. Theo đó, nhà giáo công lập vẫn là viên chức, thực hiện các quy định của luật Viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại luật này.
Nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài là người lao động đặc biệt, áp dụng theo quy định của bộ luật Lao động và thêm những quy định đặc thù của nhà giáo tại luật này.
Bổ sung quy định về điều động nhà giáo
Dự thảo luật Nhà giáo quy định về các tình huống sử dụng nhà giáo gắn với đặc trưng cấp học và trình độ đào tạo bao gồm: điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp. "Các chính sách này, nhất là điều động nhà giáo, được kỳ vọng là giải pháp để tháo gỡ vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ trong thời gian vừa qua ở các cấp học mầm non, phổ thông", theo Bộ GD-ĐT.
Cũng theo dự thảo luật, trường hợp điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong thời hạn tối đa 12 tháng. Sau thời gian bảo lưu thì thực hiện theo các chế độ, chính sách của vị trí công việc mới.
Không thực hiện điều động nhà giáo đối với nhà giáo nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà giáo có vợ hoặc chồng đang làm nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo, trừ trường hợp nhà giáo có nguyện vọng…
Bình luận (2)
Tôi thấy quy trình tuyển dụng rất cao, chất lượng nhưng sao ngành giáo dục chất lượng ngày càng kém, học sinh giỏi rất nhiều nhưng kiếm tra bài trong sách giáo khóa không nhớ.
Xin giải đáp cụ thể hơn về việc luân chuyển điều động nhà giáo từ trường này sang trường kia, hoặc điều động giáo viên biệt phái thì là tổ trưởng chuyên môn là bất cứ giáo viên nào?