Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Các mức phạt liên quan đến sử dụng thẻ căn cước
Để phù hợp với quy định tại luật Căn cước, Bộ Công an đề xuất các mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử.
Trong đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi không xuất trình thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.
Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; cấp căn cước điện tử.
Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi chiếm đoạt, sử dụng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại.
Mức phạt này cũng áp dụng với các hành vi tẩy xóa, sửa chữa, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng các loại giấy tờ nêu trên.
Dự thảo đề xuất mức phạt cao nhất là 4 - 6 triệu đồng, áp dụng với các hành vi làm giả thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số CMND 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng với đó là các hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố; mua, bán, thuê, cho thuê thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước; mượn, cho mượn thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật…
Bỏ quy định xử phạt liên quan đến sổ hộ khẩu
Vẫn theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất bãi bỏ quy định xử phạt đối với các hành vi liên quan đến việc xuất trình và sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Điều này nhằm phù hợp với quy định tại luật Cư trú và các nghị quyết của Thủ tướng về việc xuất trình các giấy tờ liên quan đến cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính.
Đáng chú ý, dự thảo còn bãi bỏ quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Theo quy định hiện hành, hành vi sử dụng hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng; hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Điểm mới nữa, theo quy định tại Nghị định 144/2021, mức phạt đối với các hành vi vi phạm về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất 40 triệu đồng.
Còn theo dự thảo của Bộ Công an, với nhóm hành vi này, mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất lên tới 50 triệu đồng.
Trong đó, mức phạt từ 40 - 50 triệu đồng được áp dụng với hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, hoán cải, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra còn có hành vi mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ.
Bình luận (0)