Đây là đề xuất nghiên cứu gia hạn nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) đang được BHXH Việt Nam trình Chính phủ.
Theo BHXH Việt Nam, qua số liệu thống kê sơ bộ của BHXH các tỉnh, thành phố có khoảng 3.300 doanh nghiệp, đơn vị, tương ứng 93.000 lao động hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão, lũ đang tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, tập trung ở một số tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái...
Sau khi nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến thực hiện việc giãn nộp BHXH; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; được chậm đóng BHXH và trong thời gian chậm đóng không phải nộp tiền lãi…, BHXH Việt Nam nhận thấy đề xuất này hoàn toàn xác đáng. Cơ bản các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn nhất, trong khi các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh khác ít bị ảnh hưởng và thiệt hại hơn.
Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, BHXH Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, nghiên cứu trình các chính sách hỗ trợ mới đối với các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do bão số 3 gây ra.
Riêng BHXH Việt Nam đề xuất tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (sửa đổi, bổ sung chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất).
Đối tượng áp dụng gồm người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn bão, lũ vừa qua đang tham gia BHXH bắt buộc.
Các trường hợp này không bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ, hoặc một phần kinh phí chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, người sử dụng lao động đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 8.2024 mà bị thiệt hại bởi bão, lũ số 3 trong tháng 9.2024, thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thẩm quyền xác định thiệt hại đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân thuộc UBND địa phương quản lý. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân thuộc bộ, ngành T.Ư quản lý thì bộ, ngành xác định.
Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất dự kiến từ tháng 10.2024 đến tháng 3.2025. Thời hạn không quá 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
Với chính sách đề xuất trên, BHXH Việt Nam dự báo có khoảng 3.300 doanh nghiệp, đơn vị, với khoảng 93.000 lao động đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, thời hạn 6 tháng, với số tiền khoảng 740 tỉ đồng.
Cơ quan BHXH cho rằng thực hiện chính sách này, sẽ giúp doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động sớm khắc phục thiệt hại, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh. Từ đó, duy trì, tạo việc làm, góp phần duy trì, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với quỹ BHXH, theo dự toán thu - chi quỹ hưu trí và tử tuất năm 2024, thì số tiền dự kiến tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khoảng 740 tỉ đồng, không ảnh hưởng đến cân đối thu - chi của quỹ này trong năm nay.
Trước đó, trong thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn thì Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có các chính sách hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp,... cho các doanh nghiệp, đơn vị, người lao động.
Bình luận (0)