Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão lũ ngóng hỗ trợ

24/09/2024 05:55 GMT+7

Nhiều ngân hàng đã nhanh chóng công bố các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay vượt qua giai đoạn khó khăn sau ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).

Doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa

Là một trong những doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 vừa qua, Công ty TNHH Việt Trường (Hải Phòng) đang làm đề xuất gửi các ban ngành và ngân hàng (NH) tỉnh này xin được hỗ trợ khẩn cấp sau bão số 3. Ước tính tổng thiệt hại của Công ty Việt Trường lên đến 95 - 135 tỉ đồng do các nhà máy chế biến thủy sản bị tốc mái, chất lượng sản phẩm trong kho hàng bị giảm mạnh do mất điện 5 ngày…

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão lũ ngóng hỗ trợ- Ảnh 1.

Công ty Việt Trường bị thiệt hại nặng sau bão số 3

ẢNH: CÔNG TY CUNG CẤP

Nghiên cứu chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây yêu cầu NH Nhà nước triển khai ngay các nhiệm vụ để hỗ trợ người dân và DN chịu thiệt hại do bão lũ; phối hợp với UBND các địa phương trong việc thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, các khu vực bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra; nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng…

Theo ông Ngô Minh Phương, Giám đốc Công ty Việt Trường, có những thiệt hại không thể nhìn thấy hay đo đếm được. Đó là đứt chuỗi thanh toán do các khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề nên đề xuất tạm dừng thanh toán và dừng lấy hàng. Công ty còn có nguy cơ bị mất khách hàng và bị phạt hợp đồng; mất cơ hội triển khai dự án mới… May mắn là toàn bộ nhà xưởng của công ty đều đã mua bảo hiểm, tuy nhiên thủ tục bồi thường cần có thời gian thực hiện. Trong khi đó, công ty đang rất cần tập trung nhân lực và tài chính để sửa chữa nhà xưởng, ổn định lại sản xuất nhanh nhất có thể. Hiện công ty đang gặp phải vấn đề lớn với số dư nợ đến thời điểm hiện tại là hàng trăm tỉ đồng gồm dư nợ ngắn hạn, trung và dài hạn. 

Do đó, Việt Trường đề xuất các NH chấm dứt ngay việc khoanh nguồn vốn đang giải ngân, cắt đứt dòng máu lưu thông bình thường của DN; cơ cấu lãi và gốc, giảm lãi suất cho vay; khoanh nợ, xóa nợ đối với phần hàng hóa và tài sản hư hỏng không có khả năng khắc phục. Đặc biệt là chuyển nợ ngắn hạn sang trung, dài hạn với những thiệt hại do hư hỏng, giảm giá trị hàng tồn kho đông lạnh; cấp thêm vốn lưu động để tái sản xuất kinh doanh và vốn trung, dài hạn để DN sửa chữa cơ sở vật chất do bão tàn phá. 

Các cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội cần đẩy nhanh thủ tục hoàn thuế xuất khẩu; hoãn, giảm thuế và cho phép DN chậm nộp BHXH; đơn vị bảo hiểm, giám định cần thẩm định nhanh chóng nhất có thể để xác định mức độ thiệt hại, mức độ đền bù và tạm ứng ngay sau khi có kết quả của bên giám định, giải ngân ngay số còn lại trong vòng 30 ngày hoặc càng sớm càng tốt để DN có dòng tiền tiến hành thu dọn, sửa chữa nhà máy cũng như có nguồn tiền bù đắp thiệt hại do hư hỏng, giảm giá trị hàng tồn kho do thiên tai.

"Chúng tôi mới gửi đơn nên chờ phản hồi từ phía NH. Trong thời gian này DN rất cần sự hỗ trợ, đồng hành từ phía NH với những cơ chế thông thoáng hơn", ông Ngô Minh Phương chia sẻ.

Cận cảnh 10.000 con gà nuôi chết la liệt vì mưa lũ ở Nghệ An

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN, cho biết thiệt hại thực tế của ngành chăn nuôi còn rất lớn do chưa đánh giá hết và có những khó khăn còn kéo dài. Chẳng hạn có hộ chăn nuôi, DN không bị mất đàn gia cầm nhưng năng suất giảm mạnh. Ví dụ, có trại gà đẻ với tỷ lệ 70 - 80% nhưng nước tràn vào kéo dài nhiều ngày đã làm suy giảm và tỷ lệ đẻ trứng chỉ còn 15 - 20%… Theo cập nhật của hiệp hội này thì đến nay vẫn chưa có hội viên, DN nào chính thức nhận được hỗ trợ từ phía NH. Trong đó nguyên nhân chính là thủ tục giấy tờ quá phức tạp, kéo dài. 

Ông Sơn kiến nghị ngoài chính sách tín dụng các NH đã công bố về hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất… thì các NH cần có chính sách cho vay mới bằng tín chấp và tăng thời gian cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của người chăn nuôi gia cầm. Chẳng hạn, chu kỳ chăn nuôi gà từ 18 - 20 tháng thì khoản vay cần được kéo dài tương ứng thay vì chỉ 6 tháng. Đồng thời, Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm phí, lệ phí trong vòng 6 tháng cho các hộ chăn nuôi, DN như phí kiểm dịch, phí công bố hợp quy hợp chuẩn, phí kiểm tra vệ sinh các cơ sở chăn nuôi…

"Điều các hộ chăn nuôi, DN cần nhất lúc này là được hỗ trợ, xét duyệt khoản vay vốn mới thật nhanh với thủ tục, chính sách thông thoáng. Chẳng hạn có DN trong hiệp hội mất hàng vạn con gà đẻ, thiết bị nhà xưởng bị thiệt hại từ 6 - 8 tỉ đồng nên cần vay vốn để gây dựng lại sản xuất. Nhưng làm sao còn tài sản để làm khoản thế chấp vay vốn từ NH theo quy định bình thường? Vì vậy DN rất cần có cơ chế chính sách thông thoáng ở thời điểm hiện nay và thực hiện càng nhanh mới thực sự thể hiện sự đồng hành của NH, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn", ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

Ngân hàng đang rà soát khách hàng bị thiệt hại

Ở chiều ngược lại, các NH vẫn đang trong giai đoạn triển khai, cũng như tiếp nhận thông tin từ khách hàng nên chưa có thông tin về con số hỗ trợ. Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank, cho biết NH đã thực hiện các biện pháp giảm ngay lãi suất cho vay 0,5%/năm cho khách hàng. Ngoài ra, các chi nhánh hiện còn đi thực tế, những khách hàng có thiệt hại cần hỗ trợ có thể giảm lãi suất lên 2%/năm. Đối với những khách hàng đến hạn trả nợ trong giai đoạn này, Agribank thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách. "Cho đến thời điểm này thì các số liệu về khách hàng bị thiệt hại vẫn chưa thống kê đầy đủ, nên con số hỗ trợ như thế nào vẫn chưa chính xác. Chính sách mới ban hành vài ngày nên cần thêm thời gian đi vào cuộc sống, có thể vài ngày tới mới có con số sơ bộ ban đầu", bà Bình cho hay.

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão lũ ngóng hỗ trợ- Ảnh 2.

Ngân hàng triển khai nhanh các biện pháp hỗ trợ khách hàng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Tương tự, đại diện NH Chính sách xã hội (CSXH) VN cho biết NH vừa tạm dừng thu lãi đối với hộ vay bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khi đến thời hạn thu. NH cũng thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay đến hạn trả nợ (triển khai đối với các món vay phát sinh nợ đến hạn từ tháng 9). Còn số liệu khách hàng bị thiệt hại hiện các địa phương đang thống kê nên chưa có con số cụ thể. Dù vậy, NH CSXH cho biết sẽ căn cứ mức độ thiệt hại về vốn, tài sản và con người của hộ vay, NH nơi cho vay để xử lý kịp thời, nhằm tạo điều kiện cho hộ vay bị thiệt hại khắc phục hậu quả do thiên tai, ổn định cuộc sống, nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.

Thống kê sơ bộ đến ngày 17.9.2024, khoảng 73.000 khách hàng ở các tỉnh khu vực phía bắc bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra, với dư nợ ước tính khoảng 94.000 tỉ đồng. TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng con số dư nợ này không nhiều, chiếm chưa đến 1% trong tổng dư nợ nên trước mắt NH có thể khoanh nợ lại và đưa ra ngoại bảng để không phải trích lập dự phòng rủi ro. Sau đó cho vay mới để khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, NH thu được bao nhiêu thì thu. Một thời gian sau, nếu không thu được nữa thì nên xóa nợ. Việc triển khai cho vay lãi suất 0% thì chỉ hỗ trợ được khách hàng còn khả năng hồi phục, có nguồn thu trả gốc; trong khi đó ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra thiệt hại cả về người và tài sản, có khách hàng không còn gì thì lấy nguồn đâu mà trả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.