Mục tiêu của tuyển sinh là làm sao có thể tuyển chọn được nhiều thí sinh khá giỏi hay nói cách khác, tạo điều kiện cho các thí sinh khá giỏi có nhiều cơ hội đậu đại học hơn.
Với cách tuyển sinh hiện nay, thí sinh rất khổ sở trong việc nộp, rút hồ sơ xét tuyển từ các trường ĐH - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Một vấn đề tồn tại từ các kỳ tuyển sinh trước là khi thí sinh nộp đơn vào một trường, nếu trường đó là một trường hàng đầu có điểm đầu vào cao, thì một học sinh khá giỏi cũng có thể bị đánh trượt nếu không cạnh tranh được với các thí sinh khác. Trong khi với điểm số đó, họ có thể dễ dàng đậu vào một trường đại học khác. Việc này khiến cho một thí sinh có năng lực tốt mất cơ hội vào đại học so với một thí sinh có năng lực kém hơn.
Năm ngoái, Bộ Giáo dục – Đào tạo thay đổi cách thức thi tuyển bằng cách gom hai kỳ thi (tốt nghiệp và tuyển sinh đại học) thành kỳ thi chung và cho phép thí sinh được thay đổi nguyện vọng với mục đích sẽ tăng cơ hội cho các thí sinh có năng lực tốt. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi, nhiều rắc rối phát sinh. Năm nay, tôi chờ đợi Bộ Giáo dục tháo gỡ những khó khăn đó thế nào nhưng Bộ Giáo dục đã chọn một hướng khác thay vì tìm cách đi tiếp con đường mà năm ngoái họ đã mở ra.
Tôi vẫn thích ý tưởng này nên thử tìm giải pháp cho nó.
Tôi gọi cách tuyển sinh năm ngoái là cách tuyển sinh A.
Cách tuyển sinh A đã phạm phải sai lầm gì?
1. Cho thí sinh nộp một lúc hai nguyện vọng trong cùng một đợt xét tuyển. Điều này tạo ra lượng thí sinh ảo rất lớn.
2. Vừa cho nộp hồ sơ và vừa cho rút hồ sơ vào cùng một đợt đã làm cho nhiều học sinh giỏi, có số điểm cao ém hồ sơ chờ cho đến gần ngày cuối mới nộp làm kết quả tuyển sinh thay đổi rất nhanh và rất nhiều vào lúc cuối gây ra sự náo loạn và trở tay không kịp của nhiều thí sinh khác.
3. Thí sinh chỉ có một lần thay đổi nguyện vọng. Do đó thí sinh không có cơ hội lựa chọn lại khi ván bài đã ngửa.
Vậy cần thay đổi những gì để có thể khắc phục được những điều trên? Tôi gọi đây là cách tuyển sinh B.
Cách thức của cách tuyển sinh B
Cách này gồm ba giai đoạn. Thời gian 5-7 ngày (hoặc hơn) cho mỗi giai đoạn. Giữa các giai đoạn sẽ có một thời gian nghỉ từ 1-2 ngày (không cho rút hồ sơ cũng không cho nộp hồ sơ) để thí sinh có thời gian xem xét và cân nhắc trước khi thay đổi nguyện vọng. Mỗi thí sinh chỉ được chọn một ngành/trường trong mỗi giai đoạn và sau đó họ có hai cơ hội để thay đổi nguyện vọng vào các giai đoạn sau.
Cảnh mệt mỏi chờ đợi đến giờ hẹn rút hồ sơ ở Trường ĐH Thương mại - Ảnh: Quý Hiên |
Thí sinh sẽ phải nộp hồ sơ trực tuyến (online) và không chấp nhận hình thức nộp hồ sơ trực tiếp (lý do sẽ được lý giải trong phần sau). Mỗi thí sinh đều có một tài khoản trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia. Nếu đạt tiêu chuẩn điểm sàn tuyển sinh đại học, thí sinh sẽ được phép nộp hồ sơ vào các trường đại học. Điểm của thí sinh sẽ bao gồm luôn điểm ưu tiên (nếu có). Các trường cần phải thông tin rõ về tiêu chí xét tuyển phụ (khi có nhiều thí sinh đồng điểm) ngay từ đầu mùa tuyển sinh để các thí sinh tự cân nhắc khả năng của mình khi mình rơi vào nhóm nguy hiểm. Ví dụ, với trường Y, tiêu chí phụ để xét tuyển có thể là ngoại ngữ (ưu tiên 1), điểm thi môn sinh vật (ưu tiên 2), điểm trung bình ba năm trung học v.v. Việc này cũng giúp thí sinh tránh học lệch mà cần phải có kiến thức ở nhiều lãnh vực khác nhau
Giai đoạn 1: Dàn quân.
Tất cả các thí sinh đều phải nộp hồ sơ trực tuyến vào ngành/ trường mình muốn xét tuyển trong một thời gian qui định. Trong thời gian này, tất cả các thí sinh đều phải nộp hồ sơ và không được chuyển nguyện vọng. Nếu không nộp hồ sơ thì xem như thí sinh bỏ xét tuyển đại học.
Kết thúc giai đoạn này, tất cả thí sinh đều đã ra mặt nên mọi thí sinh đều biết mình đang đứng ở đâu trên bàn cờ tuyển sinh, khả năng thứ hạng của mình như thế nào so với đối thủ.
Sau giai đoạn 1, các thí sinh có vài ngày để suy nghĩ , cân nhắc xem mình sẽ chọn lựa lại nguyện vọng như thế nào nếu mình đang ở nhóm rớt, hay nhóm nguy hiểm.
Giai đoạn 2: Di chuyển quân.
Lúc này cho phép các thi sinh thay đổi nguyện vọng của mình. Các thí sinh được phép rút hồ sơ và nộp vào trường khác. Bắt buộc thí sinh khi rút hồ sơ ra khỏi một trường là phải nộp vào trường khác cùng một lúc thì việc rút hồ sơ mới thực hiện được (việc này cần có phần mềm kiểm soát). Vì lý do này nên không cho phép thi sinh nộp hay rút hồ sơ trực tiếp vì chúng ta không thể kiểm soát được thí sinh rút hồ sơ ra thì bao lâu sẽ nộp hồ sơ lại. Điều này tránh cho thí sinh rút hồ sơ ra, lại giữ hồ sơ đó, chờ gần cuối mới nộp hồ sơ thì sẽ diễn ra sự phức tạp vào lúc cuối như năm ngoái.
Lúc này dĩ nhiên sẽ có sự xáo trộn, khi các thi sinh ở các trường có điểm chuẩn cao sẽ chuyển sang các trường có điểm chuẩn thấp để tìm cơ hội đậu làm đẩy các thí sinh đang ở thế đậu thành thế rớt.
Sau giai đoạn 2, thí sinh lại có vài ngày suy nghĩ để thay đổi nguyện vọng lần cuối.
Giai đoạn 3: Chốt hạ.
Thí sinh sẽ có thêm một cơ hội để thay đổi nguyện vọng. Đây là bước đi cuối cùng quyết định ván cờ. Cách thức tương tự như lần hai, thí sinh rút hồ sơ ra một trường là phải nộp hồ sơ vào trường khác cùng lúc.
Dĩ nhiên, thí sinh phải hiểu là nếu cứ chần chờ và đợi đến phút cuối mới thay đổi nguyện vọng thì có khả năng xảy ra nghẽn mạng. Để an toàn, các thí sinh phải tự cân nhắc sức mình và chọn lựa trường đúng khả năng từ sớm tránh “nước đến chân mới nhảy”.
Sau gai đoạn này, ta sẽ có danh sách thí sinh đậu và rớt. Những ai đậu sẽ nộp hồ sơ, giấy báo điểm trực tiếp tại trường.
Tuyển sinh đợt 2:
Trong lúc "canh" điểm vẫn tiếp tục gọi điện cho người thân để nghe tư vấn - Ảnh: Quý Hiên |
Sau đợt tuyển sinh đợt 1, sẽ có đợt tuyển sinh đợt 2 dành cho các thí sinh rớt đợt 1. Thí sinh sẽ đăng ký vào các trường chưa đủ chỉ tiêu hay các dạng tuyển sinh khác. Cách thức có thể dùng lại cùng phương án tuyển sinh B
Phương cách này giống như là sàng gạo. Đa số những hạt gạo nhỏ sẽ rơi xuống và đa số những hạt gạo lớn sẽ được giữ lại.
Lợi ích:
1. Lợi ích lớn nhất theo tôi nghĩ là các thí sinh khá giỏi sẽ có nhiều cơ hội đậu đại học, nghĩa là chất lượng tuyển sinh đầu vào sẽ cao hơn. Giảm thiểu những trường hợp thí sinh tuy giỏi nhưng lại rớt đại học vì điểm chuẩn đầu vào của trường mình dự thi cao quá (mặc dù điểm thi của họ dư sức đậu vào các trường khác) và họ phải phí mất một năm luyện thi lại.
2. Không có chuyện thí sinh ảo, mọi chuyện được công khai rõ ràng trên mạng
3. Nộp hồ sơ trực tuyến tránh cho thí sinh phải đi lại xa xôi, nguy hiểm, giảm chi phí và sức lực cho cả thí sinh và gia đình, tránh được việc phải xếp hàng chờ đợi vật vạ
4. Giảm nhân lực nhận hồ sơ và trả hồ sơ. Nhiều trường đã không đủ nhân lực để cập nhập kịp thời thông tin thí sinh lên mạng làm ảnh hưởng rất lớn đến việc rút hồ sơ chuyển nguyện vọng của thí sinh
Để thực hiện phương án tuyển sinh B cần có gì?
1. Một phần mềm tuyển sinh tốt và đủ mạnh để hạn chế tối đa việc nghẽn mạng .
2. Các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa sẽ phải tổ chức các khu vực có máy tính được kết nối mạng, đặt ở các trường học hay xã, huyện và có nhân lực để giúp đỡ thí sinh nộp hồ sơ ngay tại địa phương.
Để học sinh không trở thành vật thí nghiệm cho một cách tuyển sinh mới thì sau khi viết phần mềm tuyển sinh, Bộ Giáo dục cần cho chạy thử phần mềm trước khi áp dụng. Từ đầu năm học, học sinh có thể nhập điểm kiểm tra đầu năm để chạy thử nghiệm phần mềm tuyển sinh. Từ đó, Bộ giáo dục có thể nhận ra những điểm yếu cần sửa chữa. Sau đó, có thể chạy thử nghiệm lần hai với điểm thi học kỳ một. Nhờ đó học sinh được làm quen với phần mềm tuyển sinh nên khi nộp hồ sơ thật họ sẽ không còn bỡ ngỡ.
Sau cùng, tôi nghĩ cần làm rõ ý kiến mà nhiều người phàn nàn là cách tuyển sinh mà cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng làm cho thí sinh chỉ tìm cách chọn ngành để đạt được mục tiêu đậu đại học chứ không chọn ngành học theo sở thích.
Nhìn lại phương pháp tuyển sinh theo cách cũ là thí sinh muốn thi vào trường nào thì nộp hồ sơ vào trường đó và không có cơ hội rút hồ sơ ra để nộp vào trường khác thì chắc chắn sẽ có người đậu và người rớt. Nếu rớt, họ cũng đâu có thể theo học ngành mà mình yêu thích.
Do đó, nếu một thí sinh muốn vào đúng ngành mà mình yêu thích thì họ phải đủ giỏi để cạnh tranh được với người khác nếú không họ phải quyết tâm học và thi lại vào năm sau. Người ta không thể học ngành mình yêu thích nếu mình không phải là những người đứng đầu. Chính thí sinh chứ không phải một phương cách tuyển sinh nào chịu trách nhiệm về việc chọn ngành học của thí sinh.
Bình luận (0)