Lại bàn về đổi mới giáo dục

27/01/2016 07:50 GMT+7

Chất lượng chuẩn bị con người và nguồn nhân lực của nước ta còn nhiều mặt hạn chế. Nguyên nhân chính là nền giáo dục của ta về cơ bản chưa đổi mới.

Chất lượng chuẩn bị con người và nguồn nhân lực của nước ta còn nhiều mặt hạn chế. Nguyên nhân chính là nền giáo dục của ta về cơ bản chưa đổi mới.

Các chuyên gia cho rằng đổi mới giáo dục thành công trước hết đổi mới từ người thầy (ảnh chỉ mang tính chất minh họa) - Ảnh: Đào Ngọc ThạchCác chuyên gia cho rằng đổi mới giáo dục thành công trước hết đổi mới từ người thầy (ảnh chỉ mang tính chất minh họa) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Lâu nay Việt Nam đã khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Ta nói và viết vào các nghị quyết lời ấy thật hay và rất đúng, có tầm nhìn chiến lược. Nhưng nhìn chung việc thực thi thì chưa được vậy, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong đầu tư ngân sách, mở rộng mạng lưới, phát triển số lượng… Chất lượng chuẩn bị con người và nguồn nhân lực còn nhiều mặt hạn chế, mà nguyên nhân chính là nền giáo dục của ta về cơ bản chưa đổi mới. Vì vậy, việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam là rất cần thiết và hết sức quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài đối với phát triển đất nước và dân tộc. Đã có một Nghị quyết Trung ương và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII đề cập việc này. Tôi cũng đã có mấy bài viết và trả lời phỏng vấn về đổi mới giáo dục, nay xin nêu thêm vài ý kiến để bạn đọc tham khảo.
Chuyển từ truyền thụ kiến thức sang bồi dưỡng nhân cách, phát triển năng lực
1.Hai vấn đề cốt lõi quan trọng nhất trong cuộc đổi mới giáo dục lần này là chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang bồi dưỡng nhân cách, phát triển năng lực (có thể gọi chung là phát triển năng lực Người) và xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, liên thông. Đó là hướng đúng, phù hợp với xu thế khách quan. Trước sau gì cũng phải đến đó. Nếu làm đúng và tích cực thì sớm thành công. Nếu làm không đúng, làm nửa vời, bị “lợi ích nhóm” chi phối thì sẽ rất khó khăn, phải trả giá, đi vòng vèo, tốn kém và lãng phí thời gian cũng như tiền bạc, mà nhất là bỏ mất cơ hội để dân tộc ta có thể tiến lên sớm hơn, nhanh hơn, cũng có nghĩa là tiếp tục tụt hậu. Và như vậy tức là cuộc đổi mới không thành công.
Công việc đổi mới giáo dục đã bắt đầu gần hai năm nay. Ngành giáo dục đã rất tích cực. Tích cực cũng là tiến bộ, vì trước đây cho rằng nền giáo dục của nước ta cơ bản không có vấn đề gì lớn, không cần phải cải cách hay đổi mới căn bản, mà chỉ cải tiến dần. Đã có một số chủ trương và công việc đúng hướng, dù chưa nhiều nhưng có thể ghi nhận, đáng khích lệ. Mặt khác, có những việc mới nửa đường, thậm chí còn nửa vời, có việc chưa đủ cơ sở khoa học chắc chắn, cần kịp thời bổ sung, điều chỉnh để cuộc đổi mới có thể thành công. Cần phải tổ chức công việc khoa học hơn, Ủy ban quốc gia về Đổi mới giáo dục phải hoạt động tích cực lên, gắn với các nhóm chuyên gia, lắng nghe và thảo luận kỹ để kịp thời điều chỉnh công việc đang làm cho đúng hướng; tiếp tục xử lý các vấn đề về đổi mới chương trình, về phân luồng và liên thông, tự chủ đại học và tự do học thuật, bình đẳng giữa công lập và ngoài công lập; kiểm định chất lượng, điều chỉnh hệ thống; bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ giáo viên…
2. Trong đổi mới chương trình, phải nắm chắc yêu cầu chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang xây dựng nhân cách, phát triển năng lực, nói cách khác là từ tiếp cận nội dung (dạy và học) sang tiếp cận phát triển năng lực (người học). Với yêu cầu đó, việc giới thiệu cho học sinh giá trị cốt lõi sẽ thay cho truyền thụ nhiều kiến thức; gắn với thực tiễn cuộc sống thay cho kiến thức “sách vở”, hướng dẫn cách tiếp cận, tự học quan trọng hơn và thay cho cách dạy kiến thức áp đặt một chiều; việc tổ chức các hoạt động học (tập) trở nên rất quan trọng; thi là đánh giá năng lực giải quyết vấn đề chứ không phải kiểm tra trí nhớ các kiến thức sách vở…
Làm thầy trong nền giáo dục đổi mới, hiện đại, không phải chủ yếu là truyền thụ kiến thức như trước đây, mà là “phát triển năng lực học sinh”, giúp đỡ, tác động cho người học “tự trưởng thành”. Nói cách khác là cần những người thầy có năng lực “tạo ra năng lực” ở người học.
Về đổi mới chương trình, cần xác định càng rõ càng tốt yêu cầu đầu ra của từng cấp học và cách tạo ra năng lực. Kết thúc trung học cơ sở giải quyết xong giáo dục phổ thông cơ bản. Còn trung học phổ thông là tiếp cận nghề nghiệp, mở rộng dần và tiến đến 100% cho học sinh tự chọn môn học. Thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa và Bộ Giáo dục - Đào tạo không nên trực tiếp chủ trì chuẩn bị một bộ sách, vì đấy là cách đổi mới nửa vời, thực chất về cơ bản vẫn như cũ, tạo ra một sân chơi không bình đẳng. Sách giáo khoa phải tuân thủ chương trình. Căn cứ chương trình mà thẩm định sách giáo khoa. Không vì yêu cầu thời gian gấp mà chuẩn bị chương trình và sách giáo khoa chưa đạt yêu cầu đổi mới, gây tốn kém và trở ngại cho công việc. Chương trình giáo dục phổ thông cần được thảo luận rộng rãi, không vội vàng, hiện nay chưa có chương trình và sách giáo khoa mới thì vẫn dạy vẫn học đấy thôi, mục đích là làm cho đúng chứ không phải cho xong một việc.
3. Về thi quốc gia cuối phổ thông, chỉ một cuộc, tổ chức nhẹ nhàng, học sinh nào chưa đạt thì 6 tháng sau có thể thi lại, giải tỏa tâm lý căng thẳng. Đó là cuộc tốt nghiệp phổ thông, nhằm giữ chất lượng chung của giai đoạn nền tảng cho cả cuộc đời, đánh giá tổng thể trên cả nước, rút kinh nghiệm để bổ sung điều chỉnh việc dạy và hướng dẫn học, ra đề thi mở nhằm kiểm tra năng lực (thay cho nhớ kiến thức sách vở một cách máy móc). Học sinh được mang tài liệu vào phòng thi nếu muốn, thang điểm mở rộng để phân hóa hai đầu tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng tham khảo kết quả thi phổ thông trong quá trình tuyển sinh. Bộ chỉ đạo xây dựng ngân hàng đề thi để sử dụng chung cho cả nước và ban hành quy chế thi, có thể phân công cho sở giáo dục các địa phương tổ chức công việc cụ thể.
Có ý kiến bảo nên bỏ thi tốt nghiệp mà giữ thi vào đại học. Theo tôi thì không nên làm vậy, trái với tư duy quản lý đầu ra (để bảo đảm chất lượng) và thoáng mở đầu vào. Nói chung, học sinh đã tốt nghiệp phổ thông thì đủ điều kiện để học đại học nếu có nơi nhận. Việc thi phổ thông lâu nay tốt nghiệp gần 100% thì điều chỉnh bằng việc tổ chức thi, ra đề và chấm thi chứ không phải bỏ cuộc thi này. Còn việc tuyển sinh đại học, cao đẳng thì giao hẳn cho các trường tự lo tuyển để sát hơn với yêu cầu đào tạo, cách thức tuyển sinh do các trường lựa chọn, sáng tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo lo công việc quản lý nhà nước, còn việc tuyển sinh là công việc mang tính chất sự nghiệp, chuyên môn, các trường tự tuyển sẽ sát hơn yêu cầu đào tạo cụ thể của từng trường, Bộ không cần phải trực tiếp thực hiện công việc này.
4. Khẩn trương xác định cơ chế và chính sách thúc đẩy phân luồng ở cuối trung học cơ sở và trung học phổ thông, đồng thời xử lý việc liên thông tạo con đường rộng mở để học tiếp và chuyển đổi nghề nghiệp khi cần, giải tỏa tâm lý phải học thẳng lên đại học mới là danh giá, còn chuyển sang học nghề là thấp kém. Xem lại hệ thống trường chuyên trong phổ thông công lập có cần thiết hay không? Đã gọi là phổ thì nên bình đẳng, đồng đều, không “đẳng cấp”, không phân biệt đối xử trong phân bổ ngân sách nhà nước. Chuyên thì không phải là phổ. Còn trường bồi dưỡng nhân tài thì ít thôi và tổ chức theo khu vực, khớp nối với các trường đại học nghiên cứu, chứ không phải thành một “hệ thống” trong phổ thông công lập. Mặt khác, cho mở trường phổ thông ngoài công lập chất lượng cao. Ngoài ra, việc bồi dưỡng năng khiếu có thể tổ chức theo hình thức câu lạc bộ ở các trường trung học phổ thông.
Nội dung SGK hiện nay còn hàn lâm, xa rời thực tế - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giá trị của đại học hiện đại
Khu vực đại học và cao đẳng tập trung giải quyết vấn đề tự chủ đại học và tự do học thuật, phân tầng, kiểm định chất lượng, phi lợi nhuận và không phi lợi nhuận, bình đẳng giữa công lập và ngoài công lập. Nước ta cần đổi mới tư duy một cách căn bản về tự do học thuật, đó là việc tạo nên giá trị của đại học hiện đại. Không có tự do học thuật thì chưa có giáo dục đại học trưởng thành và đích thực, hạn chế việc phát triển tư duy sáng tạo, từ đó mà dẫn đến vô tình làm hạn chế phát triển trí tuệ của trí thức nước nhà, cũng có nghĩa là hạn chế sự phát triển bộ phận tinh hoa của dân tộc. Phân tầng đại học và có cơ chế bảo đảm sứ mệnh của từng trường, các sứ mệnh khác nhau nếu có chất lượng cao và thương hiệu đều vinh quang như nhau, chứ không phải đại học vinh quang hơn cao đẳng.
Nước ta các năm qua đã làm theo cách: chuyển dần các trường trung cấp lên cao đẳng, rồi cao đẳng lên đại học, rồi mở cho các trường đại học đào tạo cả cao đẳng và trung cấp. Đó là cách làm “không thể hiểu nổi”, trừ trường hợp cá biệt nào đó là cần thiết. Việc trao tự chủ cho các trường đại học không phải là cho cá nhân hiệu trưởng, mà là cho một Hội đồng trường thật sự có chất lượng và quyền lực. Hội đồng trường chọn hiệu trưởng chứ không phải hiệu trưởng chọn Hội đồng trường. Việc tự chủ đại học cần song song với tổ chức hệ thống và công tác kiểm định chất lượng, trong đó có kiểm định độc lập, và công khai kết quả kiểm định.
Các trường phi lợi nhuận ở khu vực ngoài công lập là loại hình rất tiến bộ, nhằm xã hội hóa giáo dục, nâng dần chất lượng đào tạo và tham gia giữ cho giáo dục không chuyển thành ngành thương mại thuần túy. Cần có chính sách khuyển khích mạnh mẽ loại hình này, phân biệt với trường không phi lợi nhuận. Hiện tại giữa trường công lập và ngoài công lập còn có nhiều bất bình đẳng, tạo ra một sân chơi khó cho bên này hoặc bên kia tùy theo vấn đề và công việc khác nhau. Cần sớm có cơ chế tạo bình đẳng giữa hai khối này về tự chủ, cơ hội tiếp cận đất đai và các nguồn tài chính, tuyển dụng sinh viên ra trường, chính sách bảo hiểm xã hội, về hưu và sự tôn vinh của xã hội; nhằm thúc đẩy khu vực ngoài công lập phát triển mạnh lên, chiếm trên 50% đại học và cao đẳng.
Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo tinh thần đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo. Đồng thời với đạo đức, tâm huyết, yêu nghề, cần phải có năng lực làm thầy trong nền giáo dục đổi mới, hiện đại, không phải chủ yếu là truyền thụ kiến thức như trước đây, mà là “phát triển năng lực học sinh”, giúp đỡ, tác động cho người học “tự trưởng thành”. Nói cách khác là cần những người thầy có năng lực “tạo ra năng lực” ở người học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.