Sốt một dự án, đánh thuế cả vùng?
Kiến nghị này được nêu tại báo cáo của Bộ Xây dựng gửi đến các đại biểu Quốc hội, theo hướng đề xuất Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh mức thuế giao dịch bất động sản (BĐS) để kịp thời bình ổn thị trường khi có biến động lớn. Theo nhận định của Bộ Xây dựng, hiện một số đối tượng đầu cơ BĐS vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường, dẫn chứng tình trạng này ở một số địa bàn như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, TP.HCM.
Đây không phải lần đầu Bộ Xây dựng kiến nghị sử dụng biện pháp thuế để xử lý cơn sốt BĐS. Vào năm 2007, bộ này đã kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thuế nhà đất theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp chủ sở hữu, sử dụng có nhiều nhà, đất vượt hạn mức quy định, có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng nhằm hạn chế đầu cơ và tăng nguồn thu cho ngân sách.
|
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét: “Điều chỉnh tăng thuế đối với những tỉnh thành đang có sốt BĐS để điều tiết là không hợp lý và khó khả thi. Bởi chính sách thuế thường áp dụng chung cho tất cả các tỉnh thành, tránh phân biệt gây ra sự bất công. Hơn nữa, do “sốt” nên giá tăng nhanh nhưng cũng giảm rất nhanh. Trong khi điều chỉnh thuế sẽ qua các bước lấy ý kiến, đến khi đưa vào thực hiện nếu giá trên thị trường giảm thì tính thế nào?”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, thì "không hiểu sao lại có đề xuất tăng thuế để điều chỉnh giá đối với những thị trường BĐS đang sốt, đầu cơ". Bởi một chính sách không thể nào chạy theo những cơn sốt của thị trường để nhằm điều chỉnh và chống đầu cơ. Hôm nay giá tăng nhưng mai giảm, hơn nữa “sốt” giá nhà đất có khi chỉ tập trung ở một dự án, một quận huyện mà bắt những người ở khác quận huyện cùng tỉnh thành phải chịu mức thuế suất cao là điều vô lý. "Việc tăng thêm thuế đối với những nơi sốt đất chỉ càng làm cho giá tăng thêm. Với cách tính thuế 2% trên giá bán BĐS hiện nay, người bán nhà có lỗ cũng đã phải đóng thuế là bất hợp lý rồi", ông Đức nói.
Quản lý tốt thay vì tăng thuế
Theo ông Trần Xoa, thị trường càng có nhiều giao dịch thì nhà nước thu thuế càng nhiều. Vấn đề không phải là tăng thuế từ 2% trên giá bán BĐS lên 4% hay 10% hay một mức nào, mà là xác định được giá thực tế để tính thuế. Bởi giao dịch BĐS giữa các cá nhân với nhau luôn tồn tại 2 mức giá, giá thực tế và giá khai tại phòng công chứng để xác định phí công chứng và thuế thu nhập cá nhân (2% trên giá bán).
Quy định giá khai với cơ quan thuế nếu không thấp hơn bảng giá nhà đất của UBND tỉnh thành thì thuế thu nhập cá nhân 2% được tính trên mức giá khai này. Trường hợp giá khai thấp hơn thì cán bộ thuế sẽ tính theo giá trong bảng giá đất trong khi bảng giá đất 5 năm thay đổi 1 lần, không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường. Cơ quan chức năng không kiểm soát được giá mới dẫn đến tình trạng không thể quản lý được thị trường.
Vì vậy, quan trọng là xác định được giá thực tế. “Quy định của luật hiện nay đã khá đầy đủ, vấn đề là thực hiện như thế nào. Việc giảm giá kê khai nhằm giảm mức thuế đóng ít hơn vi phạm vào tội trốn thuế, có thể sẽ bị xử lý theo luật hình sự. Thế nhưng, tình trạng 2 giá trong giao dịch BĐS ai cũng biết nhưng chưa có một vụ hậu kiểm và xử lý nào. Nên cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý thì đâu cần phải tăng mức thuế”, ông Xoa nói.
“Khi đã không kiểm soát được giá mà đưa ra các biện pháp chống “sốt” bằng cách tăng thuế sẽ không hiệu quả. Khi các giao dịch BĐS hiện nay không bắt buộc thanh toán qua ngân hàng như một số nước đang thực hiện thì cơ quan chức năng cần điều chỉnh cập nhật bảng giá đất theo sát giá thị trường”, ông Trương Thanh Đức kiến nghị.
Bình luận (0)