Đề xuất thêm ngày nghỉ lễ cho người dân: 'Nghỉ 4 ngày thì mất 9 ngày làm việc không hiệu quả'

11/10/2024 14:02 GMT+7

Về đề xuất có thêm ngày nghỉ trong các dịp lễ, với các doanh nghiệp chỉ mong người lao động một điều đó là cần thay đổi cách thức làm việc, phải tăng năng suất và hiệu quả hơn trong công việc.

Mới đây, tại hội nghị thông tin về tình hình công nhân, công đoàn và dự án luật Công đoàn sửa đổi Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam mong muốn cho người lao động được nghỉ tết và nghỉ Quốc khánh dài hơn.

Theo thống kê, Việt Nam nằm trong nhóm nước có ngày nghỉ lễ ít nhất Đông Nam Á. Đứng đầu Đông Nam Á về số ngày nghỉ lễ chính thức (không tính ngày nghỉ bù) là Myanmar 24 ngày, tiếp sau là Campuchia và Thái Lan cùng 22 ngày.

Nhóm có số ngày nghỉ lễ thấp nhất khu vực là Lào 9 ngày còn Việt Nam và Singapore cùng 11 ngày. Trong loạt bài: Người Việt nghỉ lễ trong nhóm ít nhất Đông Nam Á, TS kinh tế Lê Bá Chí Nhân có đề xuất cần tăng thêm ngày nghỉ lễ để người dân có đủ thời gian vui chơi, nghỉ ngơi trước khi quay trở lại công việc.

Cụ thể như ngày Quốc khánh 2.9, ông đề xuất nghỉ thêm 2 ngày. Thế nhưng, khi làm khảo sát bỏ túi với một số doanh nghiệp lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ Nội vụ thống nhất phương án nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày

Nghỉ 4 ngày nhưng mất 9 ngày làm việc không hiệu quả

Bà Lê Thị Bích Nga, Giám đốc Công ty DigiSource (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết các ngày nghỉ lễ hiện nay đang giúp nhân viên và cấp quản lý có thêm thời gian tái tạo năng lượng sau chuỗi ngày làm việc căng thẳng. Tuy vậy, bà Nga tâm tư là người lao động sử dụng ngày nghỉ như thế nào cho phù hợp.

"Nếu người lao động tham gia hoạt động ảnh hưởng sức khỏe hoặc môi trường giải trí tốn sức lực, thời gian thì sau kỳ nghỉ không những phản tác dụng mà còn thêm mệt mỏi, ù lì", bà Nga chia sẻ.

Bà Nga lấy ví dụ thực tế tại doanh nghiệp của mình, thời gian nghỉ nhiều sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động của nhân viên bởi dư âm sau kỳ nghỉ rất dài. Trước kỳ nghỉ, nhân viên đã có tâm lý chuẩn bị đi chơi nên không tập trung làm việc. Một kỳ nghỉ dài 4 ngày thì thực tế, chất lượng lao động bị ảnh hưởng 2 ngày trước và 3 ngày sau kỳ nghỉ. Vậy thì doanh nghiệp mất hết 9 ngày nhân sự làm việc không hiệu quả.

Đề xuất thêm ngày nghỉ lễ cho người dân: 'Nghỉ 4 ngày thì mất 9 ngày làm việc không hiệu quả'- Ảnh 1.

Các kỳ nghỉ hiện nay được xem là thời điểm để người lao động được nghỉ ngơi

Ảnh: Phạm Hữu

Cũng từ quan sát thực tế, đại diện Công ty cân Nhơn Hòa cho rằng các ngày nghỉ lễ hiện nay đã đủ để người lao động được tái tạo năng lượng sau kỳ nghỉ. Nhưng sau các kỳ nghỉ dù ngắn hay dài ngày, khi trở lại làm việc người lao động có xu hướng chưa bắt kịp nhịp độ làm việc trong 1 đến 2 ngày đầu tiên. Do vậy, nếu các ngày nghỉ ngắn từ 2 - 4 ngày cũng cần phải có độ "trễ" nhất định để người lao động phát huy trở lại năng suất vốn có.

Còn ông Huỳnh Đức Huy, Giám đốc điều hành Công ty Mọt Game cho biết trong quá trình làm việc ông được quan sát và chia sẻ của nhân viên thì các kỳ nghỉ dài ngày (trên 5 ngày) không tác động nhiều đến việc tái tạo nguồn năng lượng làm việc là mấy, thậm chí có vài trường hợp còn có tác động xấu.

"Tôi cũng nhiều lần nhắc nhở nhân viên vì làm sai những lỗi thông thường mà trước kia các bạn không gặp phải. Đồng thời tỷ lệ sai sót trong công việc tăng vọt, phải nhiều ngày sau mới hồi phục được", ông Huy chia sẻ.

Đề xuất thêm ngày nghỉ lễ cho người dân: 'Nghỉ 4 ngày thì mất 9 ngày làm việc không hiệu quả'- Ảnh 2.

Theo các doanh nghiệp trước và sau kỳ nghỉ lễ nhân viên thường mất tập trung, hiệu suất làm việc giảm

Ảnh: Phạm Hữu

Ông Trần Anh Tuấn (Phó chủ tịch Hội giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM) cho biết tâm lý doanh nghiệp không ngại các kỳ nghỉ lễ, mà chỉ sợ năng suất lao động của nhân viên có phần sụt giảm trước và sau kỳ nghỉ.

"Chính là bởi người dân chọn hình thức tận hưởng kỳ nghỉ không phù hợp như uống nhiều rượu bia, thức khuya. Chưa kể một số bạn trẻ muốn khám phá, trải nghiệm nên muốn tự lái xe. Các gia đình đông người muốn tiết kiệm nên cũng chọn xe máy làm phương tiện về quê, đi chơi…", ông Tuấn lý giải.

Tăng ngày nghỉ phải tăng năng suất làm việc

Vị đại diện Công ty cân Nhơn Hòa nói thêm, nếu tăng ngày nghỉ lễ cho người lao động thì không phải một doanh nghiệp mà hầu như tất cả nơi khác ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

"Ai cũng đều mong muốn việc phát triển, tăng trưởng về doanh thu cũng như lợi nhuận, nhưng việc tăng ngày nghỉ lễ sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời phát sinh chi phí về tiền lương, phải chi trả cho các ngày nghỉ lễ tăng thêm", đại diện doanh nghiệp nói về gánh nặng.

Đề xuất thêm ngày nghỉ lễ cho người dân: 'Nghỉ 4 ngày thì mất 9 ngày làm việc không hiệu quả'- Ảnh 3.

Các bạn trẻ tham quan trong dịp lễ.

Ảnh: Phạm Hữu

Bà Bích Nga cho biết, tăng ngày nghỉ chính thức chỉ có thể đáp ứng được mong muốn của nhóm làm việc và doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ, giải trí, du lịch… Với các ngành nghề khác hoặc những công ty còn non yếu sẽ khá lao đao vì công việc bị gián đoạn.

Do đó, bà Nga đưa ra giải pháp, khi số ngày nghỉ tăng lên, doanh nghiệp cần thích ứng bằng việc sắp xếp công việc cho nhân viên hoàn thành việc cần thiết trước kỳ nghỉ. Bộ phận nhân sự cố gắng đảm bảo sĩ số nhân viên đi làm đủ, giảm bớt tỷ lệ người xin nghỉ thêm sau lễ, tránh ảnh hưởng đến không khí đi làm của công ty.

"Trong công ty, ngoài số bạn đi du lịch tôi phân công những bạn còn lại chia sẻ công việc, hỗ trợ ứng viên xuyên lễ. Lúc nào có khách hàng thì các bạn sẽ hỗ trợ. Hơn nữa, công ty chúng tôi đa phần làm việc trực tuyến, nên việc hỗ trợ khách hàng, ứng viên xuyên lễ là điều khả thi. Việc này giúp hoạt động của doanh nghiệp được duy trì ổn định", bà Nga nói.

Đề xuất thêm ngày nghỉ lễ cho người dân: 'Nghỉ 4 ngày thì mất 9 ngày làm việc không hiệu quả'- Ảnh 4.

Vui chơi thế nào để tránh mất thêm năng lượng trong kỳ nghỉ lễ là điều doanh nghiệp quan tâm

Ảnh: Phan Diệp

Trong khi đó, ông Nguyễn Trương Danh, chủ chuỗi quán cà phê EMC Coffee cho rằng cần tăng thêm các ngày nghỉ để người lao động có thể nghỉ ngơi nhiều hơn.

Tuy nhiên, vấn đề ông Danh đặt ra là việc tăng kỳ nghỉ thì tỷ lệ năng suất làm việc phải tăng theo. Với các nước phát triển trong khu vực, năng suất lao động ở mức cao hơn thì số ngày nghỉ tất nhiên sẽ tương đương. Họ đảm bảo được hiệu suất làm việc, tạo ra sản phẩm nhanh dù có nhiều ngày nghỉ hơn ở Việt Nam.

"Phải làm sao đạt hiệu quả trong 6 giờ làm việc thay vì 8 giờ mà vẫn hoàn thành công việc thì người lao động mới có thêm thời gian nghỉ nhiều hơn", ông Danh lấy ví dụ.

Đề xuất thêm ngày nghỉ lễ cho người dân: 'Nghỉ 4 ngày thì mất 9 ngày làm việc không hiệu quả'- Ảnh 5.

Dòng người về quê nghỉ lễ bằng xe máy.

Ảnh: Phạm Hữu

Theo TS kinh tế Lê Bá Chí Nhân, thời gian nghỉ lễ ngắn hay dài không ảnh hưởng đến năng suất làm việc của người lao động. Ở nhiều nước trên thế giới, người lao động được nghỉ trọn vẹn ngày thứ bảy, chủ nhật, một số nước còn nghỉ thêm thứ sáu. Sở dĩ có điều này là đất nước đó không đánh giá năng suất lao động dựa trên số ngày làm việc mà nhìn vào hiệu quả công việc, cụ thể là việc hoàn thành KPI (Key Performance Indicator) - chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc.

"Miễn là hoàn thành việc được giao, nếu xong sớm, nhân viên có thể nghỉ lễ trước thời gian quy định. Thậm chí, doanh nghiệp có thể chủ động tổ chức cho nhân viên vui chơi, đi du lịch vào các kỳ nghỉ lễ", ông Nhân đề xuất những điều doanh nghiệp có thể áp dụng.

Đề xuất thêm ngày nghỉ lễ cho người dân: 'Nghỉ 4 ngày thì mất 9 ngày làm việc không hiệu quả'- Ảnh 6.

TS kinh tế Lê Bá Chí Nhân

Vì thế, vấn đề của chủ doanh nghiệp là đề ra chiến lược, quản lý công việc của nhân viên làm sao để đạt hiệu quả tốt nhất. Không thể đổ lỗi cho việc vì kỳ nghỉ dài nên ảnh hưởng đến năng suất lao động.

"Song song với điều này, người lao động hơn ai hết là người kiểm soát được quỹ thời gian, túi tiền của mình để chọn lựa hoạt động vui chơi dịp lễ phù hợp. Tránh mất thêm sức lực trong kỳ nghỉ, ảnh hưởng đến công việc", ông Trần Anh Tuấn (Phó chủ tịch Hội giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM) củng cố thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.