Đem quan tài 'phong tỏa' đường cao tốc: Nước tràn ly vì… thiếu đối thoại

12/11/2015 13:30 GMT+7

(TNO) Dù được dàn xếp tương đối ổn thỏa bằng một cuộc đối thoại, vụ người dân mang quan tài đặt giữa công trình thi công đường cao tốc ở Quảng Nam vẫn là giọt nước tràn ly sau những thiếu hụt thông tin từ hai bên.

(TNO) Dù được dàn xếp tương đối ổn thỏa bằng một cuộc đối thoại, vụ người dân mang quan tài đặt giữa công trình thi công đường cao tốc ở Quảng Nam vẫn là giọt nước tràn ly sau những thiếu hụt thông tin từ hai bên.

 Chiếc quan tài đặt tại công trình thi công đường cao tốc đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm Chiếc quan tài đặt tại công trình thi công đường cao tốc đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm
“Đặt quan tài để lãnh đạo biết”
Từ hôm nay cho đến hết ngày mai 13.11, khoản tiền thưởng gần nửa tỉ đồng dành cho những hộ chấp hành giải phóng mặt bằng nhanh, đúng tiến độ công trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ở xã Tam Ngọc (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) sẽ lần lượt giải ngân.
Chưa đầy 2 ngày trước, khu vực này bất ngờ “nóng bỏng” khi nhiều người dân phong tỏa bằng cách đóng cọc, giăng dây. “Ấn tượng” hơn, người ta đặt ở đấy một chiếc quan tài từ trưa 10.11, mặc cho đại diện chính quyền thành phố Tam Kỳ lên tận hiện trường thuyết phục.
Mãi đến khoảng 14 giờ 30 chiều qua 11.11, ông Trần Nam Hưng, Phó bí thư Thành ủy Tam Kỳ đang chuẩn bị đối thoại tại hội trường xã Tam Ngọc thì nhận được tin báo về là người dân bắt đầu rục rịch di chuyển quan tài.
“Phong tỏa” công trình đường cao tốc bằng quan tài: Giọt nước tràn ly vì… thiếu đối thoại 2 Ông Đoàn Văn Tịnh: “Tôi đem quan tài đặt ngoài đó là để lãnh đạo biết”
Phải đến 1 giờ sau đó, ông Hưng mới thở phào khi biết “vật cản” xui xẻo đó đã được dời đi, không còn nằm trên công trình đường cao tốc nữa. “Coi như là một thắng lợi”, ông Hưng quay sang nói nhỏ với PV Thanh Niên Online.
Nhưng một trong những người dân “chủ xị” vụ đặt quan tài và mặc cả áo tang, ông Đoàn Văn Tịnh, lại không nghĩ vậy.
Ông Tịnh thuộc nhóm người đến dự cuộc đối thoại với UBND thành phố Tam Kỳ trễ nhất. Trong phát biểu của mình, ông Tịnh có ý “giải thích” lý do đặt chiếc quan tài là muốn mọi người chú ý đến câu chuyện bức xúc của mình sau nhiều năm đòi hỏi quyền lợi về đất đai, trong hoàn cảnh bi đát của một hộ nghèo: cha đau nặng, mẹ bị xơ gan.
“Tôi đem quan tài đặt ngoài đó là để lãnh đạo biết, và trừng trị những cán bộ”, ý ông Tịnh nói về những người tiếp cận hồ sơ đền bù nhưng không giải quyết thấu đáo.
“Phong tỏa” công trình đường cao tốc bằng quan tài: Giọt nước tràn ly vì… thiếu đối thoại 3 Ngoài mức giá đền bù, một số người dân yêu cầu chính quyền cung cấp thêm thông tin
Nỗi khổ cán bộ đền bù: 3 năm, 2 lần bị kiện
Người dân có bức xúc của mình nhưng cán bộ làm công tác đền bù cũng có nỗi khổ riêng. Ít nhất là cho đến khi những thông tin về mức áp giá đền bù được minh bạch.
Như chuyện rắc rối liên quan đến ông Tịnh. Các lần xử lý đền bù trước đó (năm 2011, 2013) ông Tịnh đều đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Nhưng đến tháng 9.2015, ông Tịnh lại gửi đơn kiến nghị nên Trung tâm Phát triển quỹ đất Tam Kỳ phải phối hợp với UBND xã Tam Ngọc để xác nhận lại nguồn gốc sử dụng đất, từ đó phát hiện có tranh chấp của 4 hộ dân xung quanh thửa đất này. Việc giải quyết kéo dài xuất phát từ nguyên do khách quan đó.
Không chỉ chậm trễ, khâu giải thích chính sách nếu không kịp thời cũng dễ tạo “điểm nghẽn” trong đối thoại giữa các bên khi xử lý vướng mắc về đất đai, và dễ khiến người dân nghi ngờ.
Ngay đến đơn giá thay thế, gồm mức bồi thường 84.000 đồng/m2 cho đất vườn ao (gắn với thửa đất có nhà ở) và 44.000 đồng/m2 cho đất trồng cây lâu năm (trong nhóm đất nông nghiệp), cũng không được giải thích cặn kẽ khiến nhiều người dân sợ mình sẽ thua thiệt nếu… không đấu tranh.
Ông Nguyễn Ngọc Trai, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Tam Kỳ, đã nhận trách nhiệm về những thiếu sót, chậm trễ xung quanh các khâu đo đạc, xác minh nguồn gốc đất đai, cây cối.
“Phong tỏa” công trình đường cao tốc bằng quan tài: Giọt nước tràn ly vì… thiếu đối thoại 4 Ông Trần Nam Hưng, Phó bí thư Thành ủy Tam Kỳ, khẳng định địa phương làm đúng khâu đền bù, nhưng một số thủ tục có sai sót như thiếu con dấu trong biên bản kiểm kê -Ảnh: H.X.H
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Minh Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cụ thể hóa lời hứa với người dân Tam Ngọc bằng một lịch làm việc dày hơn, 2 buổi/tuần để giải quyết rốt ráo các vấn đề nảy sinh.
Một trong số các vấn đề đó chính là xử lý trách nhiệm của cán bộ.
“Chúng tôi sẽ rà soát đánh giá lại, nếu phát hiện cán bộ sai đến đâu xử lý đến đó. Trong quá trình giải tỏa đền bù dự án này, đã có một số việc phát sinh. Xã Tam Ngọc cũng chưa kịp thời nắm bắt thông tin, còn khâu chỉ đạo của thành phố cũng chưa sâu sát”, ông Nam đúc kết.
Việc áp dụng chính sách đúng (như trường hợp thành phố Tam Kỳ áp dụng mức giá thay thế) xem ra chỉ là một điều kiện cần. Còn điều kiện đủ, để không làm nảy sinh các điểm nóng tương tự, là một cơ chế đối thoại cởi mở, kịp thời giữa dân và cán bộ.
Người dân rất tốt, nhưng sao vẫn có điểm nóng?
 
 
Sáng nay 12.11, có hơn 310 hộ dân (trong tổng số 427 hộ bị ảnh hưởng) ở Tam Ngọc sẽ lần lượt đến nhận khoản tiền thưởng do chấp hành giải phóng mặt bằng nhanh. Vậy câu hỏi đặt ra là nhiều người chấp hành tốt, thì sao lại xảy ra điểm nóng “quan tài trên công trình cao tốc”?
Ngay cả ông Nguyễn Ngọc Trai cũng không lý giải lý do lúc triển khai giải tỏa đền bù trạm dừng chân tại km67+785 (giai đoạn 2 của dự án) hồi năm 2012 đã nhận thấy đa số người dân ở xã Tam Ngọc rất tốt, nhưng đến bây giờ họ lại phản ứng quyết liệt?
Trước hết, chính việc chậm chi khoản tiền thưởng này, với lý do khách quan về thủ tục, là một trong những nguyên nhân khiến người dân bức xúc. Kế đến, những cách hiểu khác nhau về áp giá thay thế để đền bù càng gây chia rẽ; chưa kể nỗi khổ vì ô nhiễm môi trường, nắng bụi mưa bùn… mà đơn vị thi công gây ra cũng làm gia tăng bức xúc, đến khi có dịp là bột phát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.