Ở đó, tôi thấy được cách mà người Sài Gòn đối diện và đối đãi với nhau giữa những ngày khốn khó vì Covid-19. Không khí bình yên những ngày giáp Tết của ở TP.HCM bỗng chốc tan biến trước thông tin về những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Nhiều ca mắc mới, đã có hơn 30 ca nhiễm Covid trong công đồng, nhiều nơi trở thành khu phong tỏa, nhiều người mất Tết vì phải cách ly. Mả Lạng là một nơi như thế.
Người bên trong không muốn ra
Với những người dân ở đây, những đêm cuối tháng Chạp Canh Tý có lẽ là một trong những đêm dài khi họ biết rằng mình phải cách ly và không thể ra ngoài. Tôi biết được, có người chuẩn bị đi chợ sắm sửa cho dịp Tết, có người định đi đường hoa Nguyễn Huệ, cũng có người có ý định về quê thăm ông bà… Bao nhiêu kế hoạch, dự định cho ngày Tết bỗng chốc tan tành chỉ vì virus Covid-19.
Bà Hồng (63 tuổi) - một người dân sống trong khu phong tỏa tâm sự với tôi qua điện thoại, rằng mọi chuyện diễn ra quá đột ngột khiến mọi người “không kịp trở tay”. Khi có thông báo phong tỏa, nhiều người đã tìm cách ra ngoài vì sợ phải cách ly 21 ngày, nhưng đa phần đều ở lại nhà để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.
|
Hơn 2.000 dân sống trong con hẻm này, không một ai có thể ngờ rằng mình sẽ rơi vào cảnh tréo ngoe như vậy mà mua trước thực phẩm dự trữ. Đó là lý do mà gần 12 giờ đêm 8.2, nhiều người bên trong vẫn đứng ở các chốt chờ người thân đến để tiếp tế. Bao nhiêu ánh mắt trông ngóng từ khu cách ly ra bên ngoài, sự mệt mỏi hiện lên khuôn mặt của họ khiến tôi có chút xót xa.
Mỗi lần thấy được người thân bên ngoài từ xa, ánh mắt của họ lại sáng lên. Họ tiến đến giao nhận hàng tiếp tế theo hướng dẫn của cán bộ, chỉ kịp nhìn nhau một thoáng, hỏi thăm nhau một câu rồi nhanh chóng rời đi.
|
Họ hỏi ngược lại tôi đã 27 Tết rồi, sao còn chưa về quê mà còn ở đây giờ này làm gì. “Về nhà với gia đình vẫn hơn con à, chứ ở đây có người muốn về mà không được đó”, một người lớn tuổi nói với tôi. Bất giác, tôi thấy nhớ nhà, nhớ ông cha bà mẹ mình ở quê Cà Mau mà ruộng dưa hấu đang ế chỏng ế chơ.
|
Họ kể rằng cuộc sống của họ trong đó tốt lắm, ngoài việc không được ra ngoài thì sinh hoạt bình thường như mọi ngày nên không có gì đặc biệt để viết bài đâu. Một số người nói thêm họ cũng không muốn ra ngoài vì ở khu cách ly cũng vui. Họ xem đây là thời điểm để có thể nghỉ “xả hơi” sau một năm Covid quá nhiều biến động. Tôi tự hỏi là họ cảm thấy vui, nhưng có thật là họ muốn ở đó không? Có lẽ là không…, mà chỉ tại con virus Covid quái ác.
Trong bất kỳ một cuộc phỏng vấn nào với người dân sống trong khu phong tỏa ở hẻm Mả Lạng, tuyệt nhiên tôi không hề nghe bất cứ một lời than vãn. Ai cũng tâm sự họ sẽ cách ly thật tốt, tuân thủ theo quy định của nhà nước để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người. Có như vậy, người ta mới thấy hết được sự lạc quan và tinh thần trách nhiệm của người Sài Gòn.
|
Người bên ngoài muốn vào
Đêm đó, tôi gặp một số trường hợp người bên ngoài khăn gói vào khu cách ly. Họ đều là người thân của những người bên trong. Bất kỳ ai có ý định muốn vào, cán bộ đều hỏi duy nhất một câu: “Vào rồi thì không ra được đâu, vậy có vào không?”. Và hầu hết câu trả lời là “Có!”. Tôi tin rằng, bất kỳ ai làm điều này cũng đã suy nghĩ thật thấu đáo!
Tôi nghe một người bán hàng rong trước cổng bảo rằng “ai vào đó là ngu, ở ngoài không muốn muốn bị cách ly”. Nhưng có thật là “ngu” hay không? Có lẽ, nếu là tôi trong hoàn cảnh đó tôi vẫn sẽ vào để đoàn tụ cùng gia đình trong những ngày Tết. Tết là đoàn viên mà!
|
Gặp bà Huỳnh Thị Tươi (64 tuổi, ngụ Q.1) mang thực phẩm đến khu phong tỏa gửi cho con gái, tôi nhìn rõ được sự lo lắng của bà khi ánh mắt liên tục dõi vào trong mong sớm thấy con. Lại trò chuyện thì mới biết bà cũng có ý định vào trong ăn Tết với con mình.
Bà Tươi nói với tôi rằng vì hoàn cảnh, nên bà ráng làm việc đến ngày 28 Tết âm lịch. “Sau ngày hôm đó, chắc chắn tôi sẽ dọn đồ vào đây. Giao thừa mà, có mẹ có con vẫn hơn”, bà xúc động nói.
Từ khu phong tỏa nhìn qua bên kia đường, tôi thấy nhiều người đang mắc võng, trải chiếu nằm ở trạm xe buýt. Hỏi thăm thì mới biết họ là người thân của những người bên trong, vì muốn tiện chăm sóc người nhà nên họ mới trắng đêm ở đó, hễ có ai gọi gì thì họ mua tiếp tế. Sang trò chuyện cùng những người này, tôi phát hiện họ đều lớn tuổi. Hầu hết họ đều từ chối trả lời tôi với lý do cảm thấy mệt mỏi, và tôi hoàn toàn thông cảm.
|
Sẵn tiện, tôi sang hàng nước của một người phụ nữ tên Thủy (62 tuổi) đang bán đối diện khu phong tỏa để phỏng vấn, thì mới biết bà cũng có hai người cháu ở bên trong. Bà và con gái tên Hạnh (là dì của hai cháu) vì mưu sinh nên vẫn ở ngoài đi làm.
Bà kể rằng hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên bà phải bán xuyên Tết. “Thực lòng, tôi cũng muốn vào đó cùng các cháu, nhưng nếu vào thì tiền đâu mà sống đây. Ở ngoài này có gì thì tôi còn giúp được”, bà Thủy buồn bã khi kể về hoàn cảnh của mình.
Vậy là Tết này, gia đình bà Thủy chỉ cách nhau có một hàng rào cách ly nhưng không thể nào đoàn tụ cùng nhau. Tết tưởng gần, nhưng hóa ra lại xa nhường nào…
|
Cùng lúc đó, con gái của bà vừa đi làm về nên ghé hàng nước của bà. Tôi thấy chị Hạnh có mua một ly trà sữa, nhưng phân vân không biết có nên gửi vào cho cháu không. “Người ta có nhiều đồ thì mới gửi vào, còn có một ly trà sữa mà gửi vào thì có kỳ quá không ta?”. Tôi khuyên chị nên gửi vào cho cháu mình, nhưng phải tuân theo đúng hướng dẫn của cán bộ trực chốt để đảm bảo an toàn.
Tôi tin, dù món hàng có gửi vào trong là gì thì cũng là tình cảm mà người bên ngoài dành cho những người bên trong khu phong tỏa.
|
Hơn 1 giờ đêm ngày 28 Tết, khu phong tỏa thưa người, tôi cũng trở về nhà mang theo nhiều suy nghĩ về những câu chuyện mình vừa mắt thấy, tai nghe.
Tin rằng, 21 ngày sẽ qua nhanh thôi, và cuộc sống của chúng sẽ sớm trở lại bình thường. Người Sài Gòn vẫn chất như cách sống của họ bao năm đổi thay!
Bình luận (0)