(TNO) Sáng nay 8.1, hơn 50 người dân ở thôn Tầm Ngân, Lâm Phú xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đã đến Nhà máy thủy điện Hạ Sông Pha 1, yêu cầu chủ đầu tư đền bù thỏa đáng theo lời hứa trước đây.
|
Dự án thủy điện Hạ Sông Pha 1 do Công ty CP thủy điện Hạ Sông Pha làm chủ đầu tư, được khởi công vào giữa tháng 5.2011.
Dự án nằm giữa khu vực dân cư các thôn Gòn, Lâm Hòa, Lâm Phú và Lâm Bình, với khoảng 2.000 hộ dân sinh sống.
Ngay từ khi dự án được bấm nút khởi công, người dân liên tục gửi đơn lên chính quyền địa phương phản ảnh về tình trạng nổ mìn ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của họ.
Theo thống kê của Thanh tra huyện Ninh Sơn, có hơn 52 nhà cửa của người dân bị thiệt hại do đơn vị thi công công trình thủy điện Hạ Sông Pha 1 nổ mìn gây nên.
Sau nhiều lần làm việc, chủ đầu tư đã thừa nhận việc thi công công trình ảnh hưởng đến đời sống và tài sản của người dân.
Chủ đầu tư dự án cũng hứa với người dân và chính quyền sở tại sẽ đền bù thỏa đáng cho người dân sau khi công trình hoàn thành.
Sau hơn 2 năm xây dựng, ngày 18.11.2013, Nhà máy thủy điện Hạ Sông Pha 1 chính thức đi vào hoạt động.
Ngày 25.12.2013, UBND tỉnh Ninh Thuận có cuộc họp yêu cầu Công ty CP thủy điện Hạ Sông Pha tiến hành khảo sát thực tế những thiệt hại của người dân do thi công công trình gây ra để có phương án bồi thường thỏa đáng.
Tuy nhiên, theo người dân, phương án của Công ty CP thủy điện Hạ Sông Pha đưa ra không hợp lý, thậm chí còn kỳ kèo mức bồi thường với người dân...
Chị Đặng Thị Kim Anh (thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn), cho biết gia đình chị không đồng ý với mức đền bù vì "cách làm không minh bạch".
Theo chị Anh, ngôi nhà của chị vừa mới xây (khoảng gần 300 triệu), bị ảnh hưởng do nổ mìn công trình, nứt nhiều chỗ trên tường, sập nhà vệ sinh. Mức giá đền bù đầu tiên là 20 triệu đồng. Gia đình chị Anh không đồng ý, mức giá lại được nâng lên 30 triệu đồng rồi 50 triệu đồng.
Ngờ vực trước hành vi “nâng giá” liên tục, gia đình chị Anh đã từ chối.
Tương tự, chị Võ Thị Thu Hương (thôn Lâm Phú, xã Lâm Sơn) cho biết đại diện công ty đã đến từng nhà để khảo sát, ra giá đền bù là 4 triệu đồng, sau đó đề nghị tặng thêm 2 triệu để gia đình ăn tết, rồi tặng thêm 2 triệu nữa để thay lời xin lỗi…
Cảm thấy mập mờ trước “lòng tốt” này, nhiều gia đình đã không chấp nhận, muốn chính quyền làm rõ vấn đề trên và phải đền bù thiệt hại đúng với quy định của pháp luật.
Theo ông Hara Bích, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, trước đây có đoàn liên ngành của tỉnh về kiểm tra đánh giá thiệt hại của người dân.
Việc người dân yêu cầu nhà máy ngưng hoạt động là do Công ty CP thủy điện Hạ Sông Pha không công bố mức giá đền bù của đoàn kiểm tra liên ngành trước đây. Họ cho rằng mức giá đền bù của công ty này là không thỏa đáng.
Theo ông Bích, sau khi nhận được tin, các ban ngành đoàn thể đã đến động viên, giải thích cho người dân và hứa sẽ phản ảnh vấn đề lên các ngành chức năng của tỉnh.
Mặc dù được chính quyền giải thích, nhưng đến 15 giờ cùng ngày (8.1), các hộ dân vẫn “bám trụ” ngay nhà máy để đòi quyền lợi. Chính quyền địa phương cũng đã triển khai lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự
Thanh Niên Online đã cố gắng liên lạc với chủ đầu tư dự án thủy điện Hạ Sông Pha nhưng vẫn chưa nối máy được.
Thiện Nhân - Phan Tuấn
(thực hiện)
>> Rà soát, loại bỏ dự án thủy điện
>> Xử lý thủy điện vận hành xả lũ không đúng qui trình
>> Người dân “tố” hệ lụy của thủy điện với Chủ tịch nước
>> Quy trình xả lũ của thủy điện 'có vấn đề
>> Thủy điện không thể vô can
>> Thủy điện xả lũ làm dân khiếp sợ
>> Phải đảm bảo không xảy ra lũ kép vì thủy điện
>> Xem xét thu hồi đất dự án thủy điện Sông Tranh 2 bỏ hoang
Bình luận (0)