Theo tờ Nikkei Asian Review, bên cạnh lo ngại về nguy cơ do thám mạng cáp ngầm dưới biển, Úc và Mỹ còn cảnh báo khả năng các tập đoàn của Trung Quốc tham gia vào những công ty truyền thông tại đảo quốc Thái Bình Dương.
Khu vực này từ lâu là “sân sau” của Canberra và Washington, trong khi Trung Quốc ngày càng gia tăng hiện diện và ảnh hưởng.
“Các công ty buộc phải hợp tác với các cơ quan tình báo của chính phủ họ và che đậy sự hợp tác đó, trong trường hợp này là các công ty Trung Quốc, sẽ gây nguy cơ cho sự toàn vẹn và an ninh của dữ liệu truyền qua các hệ thống cáp biển”, theo ông Michael Shoebridge tại Viện chính sách chiến lược Úc.
Tháng trước, Reuters đưa tin Mỹ cảnh báo các đảo quốc Thái Bình Dương về mối đe dọa an ninh khi công ty Huawei Marine của Trung Quốc dự thầu xây tuyến cáp biển 72,6 triệu USD kết nối giữa Kiribati, Micronesia và Nauru.
Washington đã gửi thư ngoại giao cho Micronesia vào tháng 7, bày tỏ quan ngại chiến lược về dự án, vì Huawei Marine và các công ty Trung Quốc khác buộc phải hợp tác với các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc.
Huawei Marine, công ty con của Tập đoàn Huawei nhưng gần đây đã được Hãng sản xuất cáp quang Hengtong của Trung Quốc mua lại phần lớn cổ phần.
Mặc dù vậy, sự tham gia của Huawei Marine không khỏi khiến giới chức Mỹ lo ngại bởi công ty này đang nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, bị hạn chế mua hàng hóa và công nghệ Mỹ.
Tuyến cáp ngầm trên do Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Theo các nguồn tin, quy trình đấu thầu kết thúc vào tháng 5.2020 và 2 ngân hàng này đang xem xét lại các báo cáo đánh giá thầu.
Trước đây, Úc đã loại Huawei Marine khỏi tuyến cáp ngầm dưới biển. Vào năm 2018, Úc đầu tư xây tuyến cáp nối giữ Sydney, Papua New Guinea và Solomon Islands.
Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc cũng đàm phán để tham gia các mạng di động ở những đảo quốc Thái Bình Dương. Truyền thông Úc đưa tin hãng China Mobile của Trung Quốc muốn thâu tóm mảng vận hành ở Thái Bình Dương của hãng Digicel (Jamaica).
Bình luận (0)