Sự liên quan của Huawei
Nhằm cải thiện liên lạc cho 3 quốc đảo nhỏ là Kiribati, Liên bang Micronesia và Nauru, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang tài trợ cho Dự án Kết nối Kiribati để phát triển tuyến cáp ngầm Đông Micronesia trị giá 72,6 triệu USD.
Thượng nghị sĩ Mỹ cảnh báoHai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, gồm ông Ted Cruz và ông Marco Rubio đã gửi thư cho Micronesia cáo buộc Trung Quốc trợ giá cho các công ty để vượt mặt đối thủ cạnh tranh, sau đó thực hiện chiến dịch gián điệp và cưỡng ép thông qua dự án. Hai thượng nghị sĩ nói rằng việc trao hợp đồng cho Huawei Marine sẽ làm phức tạp mối quan hệ Mỹ - Micronesia, cản trở sự tương tác giữa quan chức hai nước. Theo Reuters, Mỹ chịu trách nhiệm phòng thủ cho Micronesia, nơi từng là một vùng lãnh thổ ủy thác do Mỹ quản lý.
|
Mặc dù vậy, sự tham gia của Huawei Marine không khỏi khiến giới chức Mỹ lo ngại bởi công ty này đang nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, bị hạn chế mua hàng hóa và công nghệ Mỹ.
Về phần Huawei, tập đoàn công nghệ - viễn thông này vài năm qua hứng chịu hàng loạt lệnh cấm vận của Mỹ với cáo buộc thiết lập các “cửa hậu” trên thiết bị để đánh cắp thông tin và cung cấp cho chính phủ Trung Quốc dù hãng này một mực phủ nhận. Theo Reuters, Huawei Marine đang đấu thầu với mức giá rẻ hơn 20% so với các nhà thầu khác từ châu Âu và Nhật Bản, nên được cho là có nhiều khả năng sẽ trúng thầu.
Việc lắp đặt cáp ngầm tại khu vực Thái Bình Dương đã trở thành đề tài nhạy cảm về an ninh, ngoại giao. Hồi năm 2018, Úc chi mạnh để vượt mặt Huawei Marine, giành gói thầu xây dựng hệ thống cáp ngầm cung cấp internet cho Papua New Guinea và quần đảo Solomon. Vì tuyến cáp này có một điểm kết nối ở Sydney nên giới chức Úc lo ngại có thể gây nguy cơ an ninh nếu Huawei Marine trúng thầu. Tương tự, dự án Đông Micronesia cũng dự kiến kết nối với tuyến cáp ngầm HANTRU-1, chủ yếu phục vụ cho đảo Guam, nơi có căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Nguy cơ an ninh
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 7 gửi công hàm đến 3 nước Thái Bình Dương để bày tỏ “lo ngại chiến lược” và cảnh báo không nên trao gói thầu cho công ty có liên quan đến chính quyền Trung Quốc vì nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu. Trước đó, chính quyền Nauru cũng cảnh báo Micronesia cùng các cơ quan phát triển về sự tham gia của Huawei Marine trong dự án.
Tờ Newsweek mới đây dẫn lời bà Âu Giang Yên, phát ngôn viên Cơ quan Đối ngoại Đài Loan, cho rằng mục tiêu chính của Trung Quốc là độc quyền cung cấp mạng thông tin liên lạc tại Thái Bình Dương bằng cách trợ giá cho các công ty để đấu thầu rẻ hơn so với đối thủ. “Mục tiêu chiến lược của họ là kiểm soát cơ sở hạ tầng chủ chốt tại những nước liên quan trong khu vực và thu thập dữ liệu lớn để theo dõi và đánh cắp thông tin”, bà Âu cáo buộc.
Trong khi đó, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington lo ngại sâu sắc về nguy cơ an ninh quốc gia, an ninh kinh tế từ Huawei và các công ty con hiện nay và trước đây của tập đoàn này, trong đó có Huawei Marine. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chỉ trích Mỹ đang tìm cách bôi nhọ Trung Quốc và nhấn mạnh Bắc Kinh không bao giờ bắt buộc các doanh nghiệp thiết lập “cửa hậu” trên thiết bị để đánh cắp và cung cấp dữ liệu.
Khi được hỏi về vấn đề trên, một người phát ngôn WB thông báo việc mời thầu vẫn đang tiếp tục và không thể bình luận cụ thể về quá trình vào thời điểm này. Trong khi đó, chính quyền Micronesia cho hay một số bên trong dự án mong muốn đảm bảo tuyến cáp ngầm không gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực thông qua những lỗ hổng an ninh mạng.
Bình luận (0)