Ngày 27.2, Bộ VH-TT-DL có quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đối với Đền thờ Trương Định, tại xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
Theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ngãi và Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã ban hành quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đối với Đền thờ Trương Định; Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.
Để ghi nhớ công đức của Anh hùng dân tộc Trương Định, năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng lại Đền thờ Trương Định với diện tích khoảng 2 ha, dưới chân núi Đầu Voi, thuộc xóm Khê Thuận, xã Tịnh Khê.
Năm 2009, Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi bàn giao đền thờ cho Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ quản lý. Từ đó đến nay, đền thờ được quan tâm đầu tư, trùng tu nên ngày một khang trang. Tại đền thờ có 3 khu chính, gồm: Khu chánh điện thờ linh vị của Anh hùng dân tộc Trương Định; Khu tiếp khách và Khu trưng bày dùng để trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định với 4 bản trích, gần 50 ảnh tư liệu, hơn 40 hiện vật và hàng chục tài liệu.
Anh hùng dân tộc Trương Định sinh năm 1820, người làng Tư Cung, nay là xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Năm 24 tuổi, ông theo cha vào Nam, chiêu mộ dân cày, khẩn hoang lập ấp, trở thành bậc tiền hiền mở đất khai cơ ở vùng Tân An (Long An). Năm 1854, Trương Định chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận (vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Ông được phong chức Phó quản cơ, rồi Quản cơ.
Tháng 2.1859, khi quân Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công. Năm 1862, theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã nhận danh hiệu Bình Tây Đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp.
Rạng sáng 20.8.1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám lá tối trời (vùng biển Gò Công). Trương Định bị trọng thương, nhưng quyết không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự vẫn để bảo toàn khí tiết anh hùng.
Khí tiết của Trương Định mãi được lưu truyền sử sách và trong lòng dân. Sau ngày ông mất, người dân Tiền Giang cũng như Quảng Ngãi đã dựng tượng, lập nhiều đền, miếu thờ cúng.
Bình luận (0)