Ngày 21.1, ông Trần Anh Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết 2 trường hợp kinh doanh quán nước trên đất di tích quốc gia Bạch Dinh là N.C.Tr và L.C.T đã trả mặt bằng cho bảo tàng.
Sau khi nhận bàn giao mặt bằng, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho dọn dẹp |
Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu |
Sau khi tiếp nhận bàn giao mặt bằng của các hộ kinh doanh, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp lực lượng chức năng tổ chức dọn dẹp toàn bộ khu đất.
“Chúng tôi sẽ kiến nghị Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh thuê các đơn vị tư vấn thiết kế lại khu đất, tạo những không gian mới lạ, các tiểu cảnh, khu vực trưng bày, triển lãm để cho ra những sản phẩm du lịch phục vụ người dân, du khách đến tham quan”, ông Thiện cho hay.
Như Thanh Niên đã thông tin, năm 2011, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hợp đồng cho 5 hộ dân thuê hàng nghìn mét vuông đất di tích quốc gia kinh doanh quán nước, cà phê. Sau đó, ngày 9.11.2016, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành lập tổ thanh lý hợp đồng nhưng các hộ kinh doanh có đơn kiến nghị xem xét tái ký hoặc gia hạn hợp đồng.
Bảo tàng tỉnh trả lời bằng văn bản, do thời hạn hợp đồng đã hết nên các hộ dân phải bàn giao mặt bằng trước ngày 20.11.2016. Tiếp đến, tháng 4.2017, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra thông báo thu hồi mặt bằng và yêu cầu người dân phải bàn giao trước ngày 15.5.2017.
Thế nhưng, các hộ dân sau đó không trả mặt bằng, buộc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải gửi đơn đến TAND TP.Vũng Tàu để kiện đòi lại đất di tích, yêu cầu các hộ dân trả lại mặt bằng cho bảo tàng.
Tại 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm vào năm 2022 đã tuyên xử chấm dứt hợp đồng kinh tế năm 2011 giữa Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với 5 hộ dân. Buộc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trả lại hàng trăm triệu đồng thu vượt quá của 5 hộ dân trên.
Các hộ dân phải có trách nhiệm tháo dỡ và di dời toàn bộ tài sản, công trình, vật kiến trúc, giao trả mặt bằng đất di tích quốc gia Bạch Dinh cho Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trong năm 2022, có 3 hộ dân đã tự nguyện bàn giao mặt bằng cho Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, còn 2 trường hợp chưa chấp hành trả mặt bằng.
Các phương tiện chở xà bần để làm sạch mặt bằng |
bảo tàng tỉnh bà rịa-vũng tàu cung cấp |
Ngày 3.1, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Vũng Tàu ra quyết định gửi ông N.C.Tr và L.C.T về việc cưỡng chế, buộc thực hiện công việc tháo dỡ và di dời những tài sản, công trình, vật kiến trúc, giao trả đất di tích mà 2 hộ này đang kinh doanh quán nước cho Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc trả mặt bằng phải thực hiện vào ngày 10.1.
Theo Chi cục Thi hành án dân sự TP.Vũng Tàu, 2 trường hợp trên có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án.
Quyết định nêu rõ, trường hợp ông Tr. và ông T. không thực hiện, cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định phạt tiền và ấn định thời gian 5 ngày làm việc để thực hiện nghĩa vụ, hết thời hạn đó sẽ giao cho người có điều kiện thực hiện hoặc chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Sau khi Báo Thanh Niên ngày 6.1 có bài viết "Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không chấp hành án", sau đó 2 hộ kinh doanh trên đã tháo dỡ các công trình vật kiến trúc, giao trả đất di tích quốc gia Bạch Dinh mà 2 hộ này đang kinh doanh quán nước cho Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để dọn dẹp mặt bằng trước Tết Nguyên đán 2023.
Bình luận (0)